Bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình được biết đến như một người phụ nữ mạnh mẽ và cứng rắn trong cách xử lý vấn đề vì lợi ích của xã hội, vì quyền lợi chính đáng của dân. Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết trước ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, bà Thanh khẳng định: Chỉ có gần dân, lắng nghe dân thì mới có những quyết sách, hành động đúng đắn.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình kiểm tra công tác bầu cử tại huyện Yên Khánh.
PV: Thưa bà, với tư cách là đại biểu kiêm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình khoá XIII, bà đã làm những gì để đáp lại mong muốn của cử tri?
Bà Nguyễn Thị Thanh: Trong suốt 5 năm qua, với cương vị là đại biểu của nhân dân, tôi đã luôn nỗ lực, cố gắng hết sức mình để thực hiện lời hứa trước cử tri, nhân dân trong tỉnh và trước sự phân công của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có thể nói, số lượng đại biểu Quốc hội của Ninh Bình không nhiều, chỉ 6 đại biểu, trong đó bao gồm cả 2 đại biểu trung ương.
Dù ít nhưng chúng tôi luôn gắn bó mật thiết với cử tri, thực hiện tốt trách nhiệm tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Nêu phản ánh của nhân dân, theo dõi ý kiến trả lời của cơ quan chức năng cũng như nghiên cứu ý kiến của bà con trong tỉnh để báo cáo với Quốc hội tại các kỳ họp.
Được biết, tỉnh Ninh Bình đã và đang quan tâm một số vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, giải quyết việc làm, doanh nghiệp, hệ thống các chính sách an sinh xã hội... Vậy những kiến nghị của Ninh Bình được Quốc hội ghi nhận thế nào, thưa bà?
- Ngoài những vấn đề đại sự mang tầm vĩ mô đối với địa phương, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới chính sách giảm nghèo, chính sách cho người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng quân nhân xuất ngũ, bảo hiểm y tế… Có nhiều ý kiến phát biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình đã được Quốc hội ghi nhận.
Trong đó có điều rất quan trọng, như Hiến pháp 2013 mà đoàn đã phát biểu về việc duy trì, ổn định, nâng cao vai trò, vị thế của HĐND. Trên cơ sở ý kiến của chúng tôi và sự đóng góp, thảo luận của các đại biểu, Quốc hội đi đến quyết định: Từ 1-7-2016, HĐND sẽ được nâng lên với số lượng cán bộ chuyên trách, cán bộ các ban của HĐND xã sẽ được tham gia vào Luật Tổ chức công đoàn, BHXH, Bộ luật Lao động, Luật Tổ chức cán bộ công chức…
Đặc biệt, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã xác nhận vai trò của Ban công tác Mặt trận, được xác định về giá trị pháp lý và được bố trí kinh phí hoạt động hàng năm. Hiệu quả công tác của Ban công tác Mặt trận ở thôn, xóm được Uỷ ban MTTQ các cấp đánh giá tốt và đề cao.
Thông qua hoạt động của đoàn đã tham gia với Quốc hội về nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, chế độ chính sách; Tranh thủ sự ủng hộ của các ban ngành chuyên môn, tỉnh đầu tư hơn 200 tỷ đồng vào việc xây dựng trường mầm non, trang bị phương tiện kỹ thuật cho bệnh viện, chăm sóc người có công, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Là đại biểu kiêm nhiệm, bà phân bổ thời gian cụ thể thế nào đối với hoạt động của Quốc hội? Quá trình tiếp xúc, giám sát bà đã phát hiện những vấn đề tồn tại và trực tiếp xử lý ra sao?
- Công việc đối với những đại biểu kiêm nhiệm rất vất vả. Song, về phần cá nhân, tôi luôn dành 30% quỹ thời gian cho hoạt động của Quốc hội. Ở cương vị lãnh đạo, tôi phải kết hợp nhiệm vụ chính của mình với nhiệm vụ của người đại biểu, chứ khó có thể tách rời.
Việc làm đại biểu càng giúp mình gần dân, tiếp thu được nhiều ý kiến của nhân dân hơn, phát hiện và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tôi đã trực tiếp giải quyết, và chỉ đạo giải quyết không ít kiến nghị tồn động nhiều năm qua, mang lại quyền lợi cho bà con.
Như ở huyện Yên Khánh, có một trường hợp thanh niên xung phong, tên thật ở nhà là Phạm Thị Thới nhưng tên trong bia mộ tại Quảng Trị ghi Lê Thị Thới. Với trách nhiệm của đại biểu, chúng tôi đã đi vào tận nơi kiểm tra, làm việc với cơ quan chức năng và hoàn thành việc xác định, giải quyết.
Trường hợp khác ở huyện Yên Mô, vì chữ “N” nhiều lần nhầm lẫn thành chữ “L”. Từ Đỗ Văn Liệu ra Đỗ Văn Niệu. Chỉ vì một chữ cái mà gia đình thân nhân chịu thiệt thòi trong suốt 9 năm trời. Khi phát hiện, Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình đã tìm hiểu, khảo sát, yêu cầu cơ quan chức năng phải làm cụ thể. Và vừa rồi, chúng tôi đã trả lại tên cho gia đình làm thủ tục theo quy định để truy tặng danh hiệu liệt sĩ vì bác Liệu mất do vết thương tái phát.
Quá trình tham gia tiếp xúc, giám sát, kiến nghị đến Quốc hội, chắc hẳn còn những điều mà bà đang trăn trở, băn khoăn?
- So với mong muốn, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh, các thành viên trong đoàn tự thấy còn có những việc chưa làm được. Nhiều ý kiến, đề xuất vẫn chưa được Quốc hội chấp thuận. Không phải Quốc hội không ghi nhận, mà bởi vấn đề của mình nêu chưa cụ thể, nhất là vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, nhu cầu đầu tư và công tác cán bộ…
Mặt khác, để giải quyết những nội dung nói trên còn liên quan đến nguồn ngân sách vốn đang hạn hẹp. Quốc hội ghi nhận lộ trình tăng lương cho cán bộ cơ sở nhưng do việc bố trí ngân sách và bộ máy của chúng ta còn quá cồng kềnh, chồng chéo, đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh nên không đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri trong tỉnh Ninh Bình cũng như nhân dân cả nước.
Cá nhân tôi luôn tâm niệm là làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tôn trọng, tăng cường tiếp xúc lắng nghe ý kiến nhân dân. Tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, đảm bảo phát huy dân chủ, kỷ cương, kỷ luật, gắn bó với cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Trân trọng cảm ơn bà!