Được UBND tỉnh Ninh Bình giao hơn 60ha đất từ năm 2010, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm giống lợn quốc tế tại bản Mét, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan hầu như bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất đai và nhiều bức xúc trong nhân dân.
Dự án nhiều kỳ vọng
Năm 2010, UBND tỉnh Ninh Bình đã chấp thuận chủ trương đối với Dự án xây dựng Trung tâm giống lợn quốc tế, do Công ty cổ phần Chăn nuôi miền Bắc làm chủ đầu tư. Dự án được quy hoạch trên diện tích hơn 60ha đất tại bản Mét, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, với mục tiêu chăn nuôi và cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn con lợn giống mỗi năm. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương, tuy nhiên, đã gần 15 năm trôi qua, kể từ ngày được giao đất, dự án này lâm vào cảnh đìu hiu, hoang tàn.
Theo quan sát của phóng viên, trên khu đất rộng hàng chục héc ta, chủ đầu tư chỉ mới xây dựng được một dãy nhà điều hành cấp 4 và một số công trình phục vụ cho dự án như: Bể nước, khu vực vệ sinh, hệ thống điện… Do bị bỏ hoang nhiều năm và không có người trông coi nên nhiều hạng mục, công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp. Một số người dân tại khu vực bản Mét đã tận dụng phần diện tích đất bị bỏ hoang để canh tác sản xuất nông nghiệp, trồng hoa màu… Bức xúc trước tình trạng trên, trong khi người dân địa phương vẫn thiếu đất canh tác nông nghiệp, các cử tri tại bản Mét đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý, hoặc thu hồi diện tích đất đai đã cấp cho dự án để tránh gây lãng phí đất đai.
Bà Bùi Thị Hương - người dân trú tại bản Mét, xã Kỳ Phú cho biết: Khi dự án bắt đầu triển khai, người dân địa phương đã rất hào hứng nhường đất, khẩn trương di dời nhà cửa với hy vọng dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế của địa phương theo hướng đa dạng, bền vững. Tuy nhiên, sau lễ khởi công, dự án đã phải “đắp chiếu” suốt từ đó đến nay. “Chúng tôi khẩn thiết đề nghị, nếu chủ đầu tư có đủ năng lực để thực hiện dự án như cam kết thì xây dựng ngay. Còn không thì nhà nước cần thu hồi, giao đất lại cho đơn vị khác có năng lực hoặc trả đất lại cho người dân canh tác, phát triển kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên” - bà Hương kiến nghị.
Ông Bùi Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cũng cho biết: Các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án nữa thì cần sớm có biện pháp xử lý, giải quyết vấn đề trên để tránh gây lãng phí đất đai và tạo nguồn lực cho xã hội, thế nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
“Về nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, bỏ hoang nhiều năm thì xã không nắm được vì đây là dự án cấp tỉnh. Vì vậy, việc chấm dứt dự án hay thu hồi lại đất thì phải do cấp tỉnh quyết định” - ông Thủy thông tin thêm.
Kiến nghị thu hồi
Được biết, năm 2010, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao hơn 60ha đất cho Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Khánh An (sau đổi tên thành Công ty cổ phần giống chăn nuôi miền Bắc) thuê đất để xây dựng. Đây là diện tích đất canh tác của các hộ dân và một phần diện tích đất rừng. Thời hạn thuê đất 49 năm. Sau 14 năm thực hiện, dự án vẫn chưa được tiến hành xây dựng và dính nhiều vi phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Cụ thể, năm 2014, dự án đã bị Bộ Tài nguyên và Môi trường điểm mặt chỉ tên trong Kết luận thanh tra do công ty chưa đăng ký khai thác đất để san lấp mặt bằng, chưa có báo cáo định kỳ về tình hình khai thác và sử dụng nước, tình hình phát sinh, quản lý chất thải xây dựng. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã nhiều lần hướng dẫn, đôn đốc về việc lập hồ sơ kê khai khối lượng đất, đá đã khai thác, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định đối với khối lượng đã khai thác trước năm 2017, nhưng đến nay công ty vẫn chưa nghiêm túc thực hiện.
Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình không cho phép tiếp tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt hoạt động dự án này.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Tuấn Vương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nho Quan cho biết, sau 14 năm được giao đất, dự án này đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Lần điều chỉnh thứ 3: Hoàn thành các hạng mục và ổn định sản xuất vào đầu năm 2016. Lần điều chỉnh thứ 4: Thời gian giãn tiến độ đến tháng 5/2019. Tính đến nay đã quá gần 5 năm kể từ thời điểm giãn tiến độ lần thứ 4 nhưng các hạng mục chính của dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.
“Hiện, UBND huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi dự án này theo Điều 48, Luật Đầu tư và quan trọng hơn là để dành quỹ đất cho những nhà đầu tư và dự án tiềm năng hơn để phát triển kinh tế - xã hội cho huyện” - ông Vương cho biết thêm.