Lãng phí được ví như tham nhũng, thậm chí lớn hơn tham nhũng, song việc xử lý để xảy ra thất thoát lãng phí chưa tương xứng. Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Thưa ông, kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”đã cho thấy nhiều bất cập. Lãng phí là vấn đề diễn ra nhiều năm song đến nay chưa thuyên giảm. Phải chăng do luật pháp chưa đủ mạnh?
Ông Trần Văn Lâm: Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” sẽ được trình ra Quốc hội xin ý kiến. Theo đánh giá tổng thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những mặt chuyển biến nhất định. Nó tạo ra ý thức khi hàng năm chính quyền đều phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, sau đó cuối năm kiểm điểm đánh giá, báo cáo trước HĐND; còn Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.
Đơn cử như thu chi ngân sách, sử dụng tài chính công, đầu tư xây dựng, quản lý tài nguyên khoáng sản, cải cách hành chính, bộ máy đã có sự chuyển biến nhất định. Trong quản lý tài sản công một số khoản chi trước đây bây giờ đã chặt chẽ hơn; đầu tư công quản lý tốt hơn, các danh mục dự án đầu tư ngắn hơn, đầu tư trọng tâm trọng điểm hơn; chỉ số về an toàn nợ công, nợ Chính phủ, tài chính vĩ mô, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ. Các thông số, chỉ số tài chính của chúng ta cũng được nâng lên.
Tôi nói ví dụ trong đất đai thì quy hoạch đất đai và kế hoạch sử dụng hàng năm cũng được quản lý khá chặt chẽ. Các thủ tục cấp phép ngày càng nề nếp hơn. Tinh giản biên chế đạt được kết quả khả quan.
Tuy nhiên, nhìn tổng quát thì đúng là sự chuyển biến chưa đáp ứng những kỳ vọng và yêu cầu chúng ta đặt ra.
Ông có thể nêu những bất cập hiện nay bộc lộ sự lãng phí lớn, thưa ông?
- Chi tiêu ngân sách và chi thường xuyên một số tiêu chuẩn, quy định không còn phù hợp. Những định mức chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trên tất cả các lĩnh vực như: tài chính, đầu tư, xây dựng, mua sắm đều có những cái chưa cập nhật, chưa điều chỉnh cho phù hợp. Chính những điều đó gây nên thất thoát, lãng phí. Hoặc chuyện đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là trong lĩnh vực y tế vừa qua, tình hình mua sắm kit test xét nghiệm để xảy ra sai phạm rất lớn.
Trong thu ngân sách, thất thoát thể hiện ở việc thất thu. Nhiều lĩnh vực đến giờ vẫn thất thu như thuế thương mại điện tử hay vấn đề về chuyển giá, chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được. Đầu tư xây dựng cơ bản có hàng nghìn dự án chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng. Nhiều dự án đội vốn lên gấp nhiều lần như các dự án đường sắt đô thị, tuyến đường cao tốc vừa mới xây dựng…Tôi cho rằng đầu tư xây dựng cơ bản đang gây thất thoát lãng phí rất lớn có thể nhìn thấy ngay.
Kế đến, nhiều dự án được giao triển khai nhưng ở tình trạng “treo”, bỏ hoang đất đai rất lãng phí. Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, thiên nhiên quản lý không chặt dẫn đến khai thác quá mức, nạn phá rừng làm suy giảm chất lượng rừng. Khai thác cát trái phép tại các lòng sông gây sạt lở... Hay như tinh giản biên chế mới chỉ giảm số người chứ chưa chuyển biến bộ máy một cách hiệu quả, mạnh mẽ. Vừa qua có Bộ Công an là làm rất mạnh mẽ, còn các bộ, ngành khác hầu như chưa thấy động tĩnh gì. Các địa phương tinh giản biên chế nhưng chủ yếu giảm cơ học hành chính nên chỗ thiếu càng thiếu mà chỗ thừa thì lại chưa giảm được.
Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án quan trọng của quốc gia đang là vấn đề khiến xã hội bức xúc. Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
- Giải pháp đã có nhưng làm chưa rốt ráo, quyết liệt. Ví như chuyện giải phóng mặt bằng thì anh phải quyết liệt trong giải phóng mặt bằng. Chỉ trừ trường hợp do yếu tố bất khả kháng về thiên tai, thời tiết thì phải chịu. Còn yếu tố do “tác nhân” chủ quan thì phải khắc phục được.
Từ mỗi nguyên nhân sẽ có giải pháp để khắc phục. Do đó đối với các dự án chậm tiến độ, đội vốn, gây lãng phí cần rà soát, phân loại và xây dựng kế hoạch lộ trình để tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án sử dụng vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng của quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ. Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả cần sớm đánh giá, dừng thực hiện.
Tới đây vấn đề này sẽ được trình ra Quốc hội để thảo luận một cách toàn diện. Sau đó sẽ có nghị quyết để thúc đẩy, sửa chữa, và khắc phục những vấn đề mà hiện nay đang còn tồn tại hạn chế, qua giám sát đã chỉ ra.
Phải chăng thất thoát, lãng phí là do việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, ngành địa phương nhưng xử lý chưa tương xứng, thưa ông?
- Đầu tiên là do các quy định pháp luật chưa theo kịp thực tế. Cơ chế chính sách chưa hoàn thiện để xảy ra những bất cập. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ công chức, hệ thống quản lý các cấp. Luật pháp không thể nào hoàn thiện tuyệt đối. Nhưng trong quá trình thực hiện, thấy lãng phí thì chúng ta cũng phải có ý thức để chủ động ngăn ngừa, khắc phục.
Thực tế thì lãng phí được ví như tham nhũng, thậm chí lớn hơn tham nhũng. Và có lẽ chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo để có cách xử lý?
- Đây là điều đáng lên án. Lãng phí làm của cải xã hội bị suy giảm, mất đi. Vì thế chúng ta cần đánh giá, nhìn nhận lãng phí cho đúng để có ý thức khắc phục chứ không thể coi nhẹ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhiều dự án được giao triển khai nhưng ở tình trạng “treo”, bỏ hoang đất đai rất lãng phí. Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, thiên nhiên quản lý không chặt dẫn đến khai thác quá mức, nạn phá rừng làm suy giảm chất lượng rừng. Khai thác cát trái phép tại các lòng sông gây sạt lở... Hay như tinh giản biên chế mới chỉ giảm số người chứ chưa chuyển biến bộ máy một cách hiệu quả, mạnh mẽ.