Hơn 100 hộ dân ở làng Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang hối hả chạy đua hái lá trầu không “tiến vua” để bán phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Loại trầu đặc biệt mang hương vị thơm cay rất riêng này giúp người dân có nguồn thu nhập “khủng” vào dịp Tết đến, Xuân về.
Hàng trăm năm nay, làng Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn nổi tiếng với loại cây đặc biệt - trầu không “tiến vua”. Theo truyền thuyết của dòng tộc họ Phạm Công, trước đây trầu của tổ tiên trồng được sử dụng để dâng lên vua, nên được mọi người gọi là trầu của vua hay còn gọi là trầu “tiến vua”.
Trầu “tiến vua” làng Văn Sơn mang hương vị đặc trưng khác biệt, lá trầu dày, vị cay, giòn, thơm ngon nức tiếng. Người dân, thương lái trong và ngoài tỉnh thường “săn” tìm mua loại lá đặc biệt này để làm đồ tế lễ, nhất là vào dịp Tết. Bởi thế, những ngày cận Tết, làng Văn Sơn lúc nào cũng nhộn nhịp người bán, kẻ mua.
Một điều đặc biệt khác là trầu “tiến vua” làng Văn Sơn chủ yếu do các con, cháu dòng họ Phạm Công trồng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Nhờ trồng trầu không mà người dân nơi đây có thu nhập khá, phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học.
Cây trầu không được người dân, chính quyền địa phương chú trọng phát triển, mở rộng quy mô và diện tích.
Đang nhanh tay hái những lá trầu từ trên giàn xuống, ông Phạm Công Thi (thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn) chia sẻ: Để có những lá trầu đảm bảo chất lượng, người trồng phải chăm tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá.
Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc, vùng đất trồng trầu không được ngập nước, nhưng cũng không thể thiếu nước.
Khi thấy thời tiết nắng nóng hoặc gió nhiều phải làm giàn che bóng mát, che gió và kết hợp với tưới nước, bón phân thì cây trầu sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, chủ động ủ gốc để giữ ấm cho cây về mùa đông.
Cạnh đó, gia đình bà Nguyễn Thị Liêu (70 tuổi, trú tại thôn Văn Sơn) đang hối hả hái trầu để lên chợ và cung cấp cho thương lái. “Năm nay thời tiết thuận lợi nên lá trầu không có hình thức đẹp, lá dày xanh và thơm cay rất bắt mắt và dễ bán, được giá” - bà Liêu nói.
Là hậu duệ của dòng họ Phạm Công nối nghiệp nghề trồng trầu, ông Phạm Công Nhứ (70 tuổi, trú tại thôn Văn Sơn) chia sẻ: Tôi sinh ra đã thấy các cụ trồng, sinh sống bằng nghề trồng lá trầu tiến vua. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và cũng đã trải qua nhiều nghề mưu sinh nhưng đều không như mong muốn nên từ năm 1981 tôi cũng nối nghiệp cha ông trồng và chăm sóc cây trầu không, đến nay có 360 gốc trầu trên diện tích 200m2.
“Lá trầu được chúng tôi bán quanh năm, tuy nhiên giá trầu từ tháng 10 (âm lịch) đến Tết Nguyên đán có giá cao hơn so với những thời điểm khác” - ông Nhứ cho hay.
Theo ông Nhứ, trầu sau khi hái sẽ được xếp thành từng xấp, mỗi xấp 50 lá, ngày thường chỉ có giá 5.000-7.000 đồng/xấp, còn dịp Tết, ngày lễ có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần. Thậm chí những lúc khan hiếm hàng, giá trầu có thể lên đến 2.000 đồng/lá.
Cách vườn trầu nhà ông Nhứ không xa, bà Phan Thị Lý (57 tuổi) cũng là con dâu dòng họ Phạm Công, nối nghiệp trồng và chăm sóc trầu không đã gần 30 năm. Bàn tay thoăn thoắt hái những xấp trầu để kịp giao cho khách hàng, bà Lý nói:
“Gần Tết Nguyên đán, bây giờ đã có người đến đặt hàng từ sớm. Để đáp ứng đủ số lượng hàng lớn vào đợt cao điểm, gia đình cũng phải lên kế hoạch thu hái 2 ngày 1 lần, chú ý cách hái đúng kỹ thuật để cây cho ra lá đều đặn”.
Theo tìm hiểu, người trồng trầu “tiến vua” rất kiêng kỵ người lạ vào vườn hái lá trầu, vì họ cho rằng nếu không phải chủ vườn hái lá sẽ khiến cây dần bị khô héo và chết đi. Cũng không cho chó, mèo, gà, vịt… vào vườn trầu vì có thể mang nguồn bệnh vào cho cây trầu.
Người trồng trầu thôn Văn Sơn cho hay, so với những loại cây trồng khác thì cây trầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Trầu thường được bán thành từng xấp 50 lá, với giá 5.000 đồng/xấp vào những ngày bình thường, còn dịp Tết, ngày lễ giá trầu có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần.
“Trầu cứ thu hoạch đến đâu là có người thu mua tận vườn đến đó. Mỗi ngày, tôi hái được khoảng 1.500 lá nhưng hầu như không đáp ứng được số lượng thương lái yêu cầu. Hiện, gia đình chủ động trồng xen kẻ trầu tốt lẫn trầu tơ để có thu hoạch liên tục vào dịp Tết” - bà Nguyễn Thị Liêu nói.
Người dân phấn khởi cho biết, giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày một hộ thu về từ 1,6 đến 2 triệu đồng từ việc bán trầu không.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, cho biết: Hiện trên địa bàn xã đang có hơn 100 hộ dân trồng trầu, chủ yếu tập trung ở thôn Văn Sơn và một số thôn lân cận.
Đây cũng là loại cây mang lại cho người dân nơi đây một nguồn thu nhập ổn định, giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Hướng đến sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, địa phương đã thành lập Hợp tác xã trầu không “tiến vua” với 30 hộ tham gia bước đầu phát huy hiệu quả. Để khuyến khích sản xuất, xã hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, máy bơm nước, vòi tưới...
Với truyền thống lâu năm, chất lượng trầu thơm ngon nức tiếng, làng trồng trầu không thôn Văn Sơn đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghề truyền thống Việt Nam.