Dự kiến từ ngày 18 đến 23/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng) sẽ có triển lãm giới thiệu bản đồ quy hoạch, giới thiệu các khu chức năng của Làng nhằm kêu gọi xúc tiến đầu tư. Dưới đây là ý kiến của người viết về vấn đề cần tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư.
Triển lãm là một hoạt động thiết thực nhằm góp phần giới thiệu tổng quan và quảng bá hình ảnh, tiềm năng tại các khu chức năng thuộc Làng để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng ý tưởng đầu tư.
Năm 1997, quy hoạch tổng thể của Làng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những ý nghĩa cao đẹp, nhằm mục tiêu: “Xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hoá mang tính quốc gia, tập trung tái hiện và gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, năng động, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc, tiến hành việc giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ; đồng thời đem lại nguồn thu để tiến tới thu hồi một phần vốn, duy tu và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”.
Nguồn vốn xây dựng Làng được quy định từ hai nguồn: Ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách Nhà nước. Ba dự án lớn được ngân sách Nhà Nước đầu tư 100% là dự án Hạ tầng kỹ thuật chung, Khu các làng dân tộc và Khu điều hành, văn phòng; 5 khu vực thu hút đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước là: Khu di sản văn hóa thế giới, Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí, Khu dịch vụ du lịch tổng hơp, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Làng đã tạo được các sự kiện điểm nhấn trong năm như: “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Tuần đại đoàn kết - di sản văn hóa Việt Nam”. Bên cạnh đó Làng còn có hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục… do đồng bào các dân tộc đại diện các vùng, miền về sinh sống, tái hiện.
Những làng dân tộc nổi bật đã được xây dựng tại Làng thuộc các dân tộc: Tày, Dao, Mông, Thái, Tà Ôi, Raglai, Ê Đê… Những công trình kiến trúc tái hiện tiêu biểu nổi bật như: Vườn tượng nhà mồ Tây Nguyên (100 tác phẩm tượng điêu khắc gỗ nhà mồ do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng Tây Nguyên tạo tác); Chùa Khmer (phục dựng theo khuôn mẫu chùa Khleang ở tỉnh Sóc Trăng nhưng toàn bộ hoạ tiết trang trí bên trong và bên ngoài ngôi chùa là sự cô đọng và tổ hợp của tất cả các chùa); Quần thể tháp Chăm (phục dựng nguyên mẫu quần thể tháp Poklongarai ở Ninh Thuận theo tỉ lệ là 1:1. Sau hơn 4 năm xây dựng bằng phương pháp thủ công gạch mài chập, kết dính bằng nhựa cây); Nhà triển lãm làng III với 2 không gian chính là Không gian biển đảo trong lòng dân tộc (nơi đang trưng bày 21 phiến đá san hô được lấy từ các điểm đảo Việt Nam đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa) và không gian triển lãm văn hóa Chăm và Khmer với nhiều hiện vật đặc sắc.
Tuy nhiên, để Làng thu hút được du khách nhiều hơn nữa, nhất là hướng tới mục tiêu trung tâm hoạt động du lịch văn hóa thì cần tới những khu vực dịch vụ.
Nhiều doanh nghiệp đều cho rằng việc mà Làng cần đáp ứng ngay là tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng cho phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm, bổ sung những dịch vụ còn thiếu như nhà hàng, lưu trú. Khu vực lưu trú còn quá ít và sơ sài. Ngủ nhà sàn rộng chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40 - 80 người. Còn phòng đôi chỉ có 12 phòng dành cho 4-5 người trong một gia đình. Bên cạnh đó, Làng hoạt động theo giờ hành chính. Điều kiện để đồng bào của các dân tộc đang sinh sống ở Làng vừa thiếu không gian để canh tác, lại thiếu nguyên vật liệu phục vụ đón khách du lịch…
Để dịch vụ du lịch của các khu chức năng được quy hoạch, đầu tư và vận hành một cách bài bản, đồng nhất, không manh mún có lẽ cần một nhà đầu tư xứng tầm. Còn nếu không có thể xây dựng các quy hoạch tổng thể và chi tiết sau đó để các doanh nghiệp đấu thầu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể đầu tư vào được thì mô hình của Làng phải được thay đổi.
Theo Khoản 10 Điều 2 Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) đã cho phép Ban Quản lý Làng “Được hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, để thực hiện được chức năng này, cần có những cơ chế, chính sách và mô hình rõ ràng cho Làng. Bởi lẽ, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam không có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Luật Đầu tư năm 2015 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định rất rõ cấp thẩm quyền trong việc này. Mặt khác, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng không có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất... căn cứ theo các quy định của Luật Đất đai năm 2013.