Trong hơn 70 sáng tác, Mai Văn Phấn mượn hình ảnh thiên nhiên thể hiện sự vận động cuộc sống.
Nhà thơ Mai Văn Phấn trong buổi ra mắt sách. Ảnh: VnExpress
Tối 5/6, Mai Văn Phấn ra mắt tập thơ tại Hà Nội. Lặng yên cho nước chảy được chia làm năm chủ đề: Sương sớm, thay mùa, đất mở, cái miệng bất tử, buông tay cho trời rạng.
Thiên nhiên là nguồn cảm hứng sáng tác chủ đạo trong thơ Mai Văn Phấn. Ông tìm đến hình ảnh của cỏ cây, sông nước, cánh đồng... bằng vẻ dịu dàng, tinh khôi. Qua mỗi bài thơ, tác giả gửi gắm thông điệp về sự vận động đời sống không ngừng, con người cần lắng lại và cảm nhận về những điều đã qua.
Mai Văn Phấn sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên chúa. Trưởng thành, ông mê đạo Phật, thường đọc sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh để tìm hiểu niết bàn - sự giải thoát. Tư duy thơ Mai Văn Phấn ảnh hưởng từ triết lý nhà Phật. Tuy vậy, Lặng yên cho nước chảy hướng đến mọi tầng lớp độc giả, nhất là giới trẻ nên không nhuốm đậm màu sắc tôn giáo.
Nhà thơ Chu Thị Thơm đánh giá Lặng yên cho nước chảy có chất huyền thoại, yếu tố tự sự. "Tôi thích tâm thế lặng và sâu của người viết. Anh nói nhiều về giọt sương, tiếng chim sẻ và mô tả chúng ở sự bình dị. Vì vậy, mỗi bài thơ được tiếp nhận như những câu chuyện", chị nói.
Bìa tập thơ "Lặng yên cho nước chảy".
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận định: "Mai Văn Phấn có tâm thế vô vi ngay từ tên tập thơ. Trong thơ có nhãn quan thiên, địa, nhân tương giao". Dịch giả người Mỹ Luz Maria Lopez cho rằng Lặng yên cho nước chảy tràn ngập hình ảnh trữ tình, những lá bùa thị giác và thông điệp triết học, nhân sinh mạnh mẽ. Đó là sự bùng nổ cảm xúc tái tạo cuộc sống, tâm hồn, sự bất diệt, trần thế và những điều rất con người.
Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Ninh Bình. Ông là tác giả của Người cùng thời(trường ca, 1999), Vách nước (2003), Bầu trời không mái che (2010)... Năm 2010, Mai Văn Phấn giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và đoạt giải văn học Cikada Thụy Điển năm 2017.