Nhóm 5 nền kinh tế lớn đang trỗi dậy trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ trong hôm đầu tuần đã nhất trí tăng cường hợp tác để chống lại chủ nghĩa khủng bố, đồng thời nêu tên hàng loạt các tổ chức khủng bố mà nhiều trong số này ở bên trong Pakistan.
Một phiên họp tại thượng đỉnh BRICS tổ chức ở thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.
Một tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS - gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã nêu tên nhiều tổ chức khủng bố, trong đó gồm nhiều tổ chức phiến quân ở Pakistan như Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammad. Một số tổ chức khác được nêu tên trong tuyên bố tại Hội nghị này tổ chức tại Hạ Môn, Trung Quốc bao gồm cả phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm al-Qaida.
Trung Quốc, một đồng minh của Pakistan, từng liên tiếp ngăn chặn nỗ lực của Ấn Độ trong việc đưa thủ lĩnh của Jaish-e-Mohammad, Masood Azhar, vào danh sách khủng bố của Hội đồng Bảo an LHQ. Ấn Độ đã cáo buộc Pakistan che giấu và huấn luyện các nhóm phiến quân để tổ chức tấn công trên lãnh thổ nước họ.
Tuyên bố chung Hạ Môn cũng thể hiện mối quan ngại về mạng lưới Haqqani hiện đang hoạt động ở Afghanistan và Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan mà chính quyền Bắc Kinh cáo buộc là gây ra tình trạng bất ổn ở khu vực Tân Cương.
Preeti Saran, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói với Hãng tin AP rằng đây là lần đầu tiên mà danh sách cụ thể các tổ chức khủng bố được BRICS nêu rõ trong văn bản, và đó là một bước đi rất quan trọng. Ông Saran cũng bác bỏ mọi mối liên hệ giữa việc liệt kê các tổ chức ở Pakistan vào danh sách khủng bố với việc Ấn Độ rút binh sỹ khỏi khu vực tranh chấp với Trung Quốc mới đây.
“Đây là một diễn đàn đa phương gồm 5 quốc gia chủ quyền. Không có mối liên hệ nào với bất cứ diễn biến nào gần đây” - ông Saran nói.
Tuyên bố ở Hạ Môn cũng nói rằng các nước thuộc nhóm BRICS sẽ đoàn kết để chống lại các tổ chức khủng bố dựa trên luật pháp quốc tế, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước.
Các nhà lãnh đạo BRICS cũng đề cập nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, như tình hình Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan, vùng Sahara, Syria... cũng như chủ nghĩa bảo hộ thương mại và những hành động áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương.