“Nhiều ý kiến góp ý nhấn mạnh yếu tố gương mẫu. Gương mẫu của Đảng bộ Hà Nội, gương mẫu của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, của cán bộ, đảng viên Hà Nội. Tiếp đến là mong muốn người dân Hà Nội cũng gương mẫu, vì nó gắn liền với nguồn lực rất lớn, rất quan trọng của Hà Nội là yếu tố văn hóa, yếu tố con người của Thủ đô”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, trao đổi với báo chí.
Hà Nội hiện đang hoàn thiện Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.
Ông Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Tiểu ban biên tập Văn kiện Đại hội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị của Trung ương, Hà Nội, 50 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy và đông đảo quần chúng nhân dân góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tiểu ban Văn kiện tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị.
Chưa bao giờ có cơ hội phát triển tốt như hiện nay
Thưa ông, qua các hội nghị đã tổ chức, đến nay, Hà Nội đã tiếp thu những vấn đề gì cho Dự thảo Báo cáo chính trị?
- Lắng nghe các ý kiến góp ý, Thành phố đã tiếp thu được nhiều nội dung rất sâu sắc, tâm huyết với Thủ đô. Có thể chia ra thành các nhóm như sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất, các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, các ban Đảng, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Hội đồng Lý luận trung ương… mong muốn Báo cáo chính trị của Hà Nội phải thể hiện được quyết tâm cao, phải khơi dậy được ý chí và khát vọng của Hà Nội. Trong quá trình phát triển, nhất là từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tầm vóc, vị thế của Hà Nội đã có sự thay đổi rất lớn, không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng và đóng góp chung vào sự phát triển của cả nước.
Hà Nội hiện nay trở thành nơi giao lưu và hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hà Nội với đặc điểm của mình đang có những lợi thế mà các địa phương khác không có được. Vì thế Hà Nội phải đặt một quyết tâm cao hơn, cũng như mục tiêu phấn đấu cao hơn.
Nhóm vấn đề thứ hai là các giải pháp Hà Nội đặt ra phải vừa mang tính khả thi cho nhiệm kỳ này nhưng cũng phải tạo tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Chính vì thế, khi xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị, Hà Nội đưa ra các giải pháp vừa cụ thể, khả thi cho giai đoạn trung hạn 5 năm tới và định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Trên cơ sở đó nhiều ý kiến các cơ quan Trung ương đồng tình ủng hộ việc điều chỉnh, bổ sung Luật Thủ đô, tạo cơ chế thuận lợi hơn cho Hà Nội phát triển. Có lẽ tất cả chúng ta đều mong muốn Hà Nội phải phát triển hơn nữa, không chỉ dừng lại như hiện nay mà Thủ đô cần phải hiện đại hơn, chất lượng cuộc sống của người dân phải tốt hơn nữa.
Nhóm vấn đề thứ ba là liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Các ý kiến đóng góp đều mong muốn Đảng bộ Hà Nội cần phát huy được những truyền thống tốt đẹp của Thủ đô cũng như bản lĩnh của Đảng bộ Hà Nội với số lượng đảng viên đông và chất lượng cao, phát huy được nguồn lực về trí tuệ, nguồn lực của đội ngũ trí thức đông đảo và huy động được những nguồn lực đó vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Nhiều ý kiến đánh giá Hà Nội chưa bao giờ đứng trước cơ hội phát triển tốt như hiện nay mặc dù phải đương đầu với rất nhiều thách thức, trở ngại.
Nhiều góp ý cũng nhấn mạnh yếu tố gương mẫu. Gương mẫu của Đảng bộ Hà Nội, gương mẫu của lãnh đạo Thành phố, của cán bộ, đảng viên Hà Nội, và mong muốn người dân Hà Nội cũng gương mẫu vì nó gắn liền với nguồn lực rất lớn, rất quan trọng của Hà Nội là yếu tố văn hóa, yếu tố con người của Thủ đô. Đó là nguồn lực truyền thống nghìn năm văn hiến.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Hà Nội tình cảm đặc biệt, Người luôn căn dặn và mong muốn Hà Nội phải Gương mẫu cho cả nước. Vì vậy yếu tố Gương mẫu có tính chất quan trọng đối với mọi công việc của Thành phố. Hà Nội bây giờ ngoài danh hiệu Thủ đô nghìn năm văn hiến; Thủ đô anh hùng; Thành phố vì hòa bình còn có một danh hiệu mới là Thành phố sáng tạo. Những yếu tố đó cần phải phát huy cao độ trong giai đoạn hiện nay, tận dụng thời cơ vị thế đang lên cao trên trường quốc tế của đất nước, thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0 mà Hà Nội phải là một trong những nơi dẫn dắt, đi đầu.
Như góp ý của Bộ Thông tin & Truyền thông, Hà Nội phải trở thành trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á trên một số lĩnh vực, kinh tế số phải chiếm tỷ lệ cao hơn...
Tại cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập, Hà Nội cần đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người cao hơn nữa, vì vậy Báo cáo chính trị đã điều chỉnh GRDP bình quân/người đạt 8.300 – 8.500 USD. Mong muốn đó là hoàn toàn phù hợp, thể hiện sự kỳ vọng và yêu cầu cao của Trung ương.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tiểu ban Văn kiện đã nghiên cứu từng vấn đề, quan điểm là tiếp thu tối đa, nhưng phù hợp với điều kiện cụ thể của Thủ đô, có tính khả thi và thống nhất; phù hợp với tổng thể, gắn kết với 3 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh - quốc phòng; đối ngoại và xây dựng Đảng.
Hà Nội không đặt mục tiêu cạnh tranh trong nước
Việc đánh giá tác động, ảnh hưởng, kết quả phòng chống dịch Covid-19 được đề cập như thế nào, thưa ông?
- Cũng có những ý kiến góp ý cần phải đánh giá sâu sắc hơn về kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như tác động của dịch bệnh đối với Hà Nội. Tiểu ban Văn kiện cũng tiếp thu ý này. Ngay từ tháng 4, 5/2020, khi dịch bệnh ở giai đoạn 1 dần được kiểm soát thì Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy nhận định đây mới chỉ là kết quả bước đầu, không được lơ là, chủ quan, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn phải được tiếp tục quan tâm chỉ đạo cùng với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ hai, về đánh giá tác động của dịch bệnh thì rõ ràng dịch Covid-19 có tác động rất lớn, tác động tiêu cực trên nhiều lĩnh vực: du lịch, các ngành dịch vụ, đời sống người dân… Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng tạo ra những cơ hội, tiền đề, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Và đây là xu hướng tất yếu vì thực tế có những ngành, những lĩnh vực, trong thời gian dịch bệnh vừa qua tăng trưởng tới 400 – 500%.
Cũng có ý kiến cho rằng dịch bệnh như vậy có nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng không. Theo chỉ đạo của Trung ương, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Và Hà Nội là địa phương rất tích cực, chủ động trong việc này.
Ví dụ như: Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020là minh chứng rõ nét cho việc vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phát triển kinh tế. 6 tháng qua, tốc độ phát triển kinh tế của Hà Nội đạt 3,39%, trong khi tăng trưởng trung bình của cả nước 1,81%, trong đó chỉ số phát triển công nghiệp đạt khoảng 4%.
Điều quan trọng hơn khi trải qua dịch bệnh này Hà Nội và cả nước có sự đồng lòng của người dân, có niềm tin của người dân đối với chính quyền, cao hơn nữa là niềm tin đối với chế độ chính trị của nước ta. Chúng ta hướng tới mục tiêu vì người dân. Các giải pháp đều hướng tới người dân; tuyên truyền, giải thích, thuyết phục để nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của người dân, tạo ra niềm tin, và đó chính là động lực rất lớn.
Hà Nội xác định niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền của Hà Nội là một nguồn lực đặc biệt quan trọng. Bởi vì trên thực tế có những việc rất khó, nhưng nếu như có sự đồng thuận của người dân thì chúng ta đều làm được.
Hà Nội kỳ vọng gì vào Dự thảo văn kiện lần này?
- Hà Nội khi bắt tay vào xây dựng Dự thảo Văn kiện không đặt mục tiêu cạnh tranh trong nước, bởi vì xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô, những lợi thế của Thủ đô và yêu cầu của cả nước đối với Thủ đô là phải có ý chí khát vọng mạnh mẽ hơn. Vì thế, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 trở thành thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực, năm 2030 thì ở tầm châu lục, đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu. Hà Nội không đặt mục tiêu cạnh tranh trong nước mà nhìn ra bên ngoài để có động lực phấn đấu cao hơn. Đó là khát vọng của Hà Nội, dù ở một số lĩnh vực cụ thể Hà Nội chưa bằng các tỉnh, thành phố khác.
Thêm nữa, tại sao Hà Nội lại đặt vấn đề tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO? Từ xưa đến nay Hà Nội vẫn phát triển với tâm lý dựa trên nguồn lực truyền thống, nguồn lực sẵn có là cơ bản. Nhưng những nguồn lực từ bên ngoài - không chỉ là kỹ thuật, công nghệ, không chỉ là tài chính mà còn là ý tưởng, quyết tâm, cách các thành phố trên thế giới đã bước đi - cũng rất quan trọng. Cũng có những nơi điều kiện không bằng mình, nhưng họ vẫn đặt mục tiêu, cách thức như thế. Có những nơi họ hơn mình nhưng họ vẫn tiếp tục bước đi như vậy.
Chính vì thế Hà Nội đặt vấn đề, đã có lợi thế rất lớn là truyền thống, nguồn lực nội tại về văn hóa mà không mấy thành phố trên thế giới có được, thì khi tiếp tục hòa vào dòng chảy chung, đi cùng xu thế của các thành phố lớn trên thế giới là phát triển dựa trên khoa học công nghệ, quản trị xã hội hiện đại; bảo vệ môi trường; chuyển đổi số…, ta sẽ có thêm cơ hội, động lực để phát triển.
Phát huy nguồn lực văn hóa
Hà Nội đặt nhiều vấn đề lớn phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới như Quy hoạch sông Hồng, chuyển đổi số, chính quyền đô thị, thành phố sáng tạo. Giải pháp để thực hiện các công việc này như thế nào?
- Trên cơ sở dự báo tình hình, đánh giá thực tế, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các mục tiêu lớn. Trong 3 khâu đột phá, Hà Nội xác định khâu đột phá thứ nhất là liên quan đến vấn đề thể chế. Trong đó có 3 việc quan trọng: thứ nhất là đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch của Hà Nội; thứ hai là đề xuất Trung ương và Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Thủ đô để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho Hà Nội phát triển; thứ ba là trong phạm vi của Hà Nội sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền triệt để hơn nữa, gắn với thí điểm chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn.
Đột phá thứ hai là tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng. Trong đó ưu tiên hạ tầng kết nối giữa trung tâm với các đô thị vệ tinh và các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặt quyết tâm phấn đấu hoàn thành đô thị vệ tinh Hòa Lạc cũng như đô thị thông minh ở phía bắc sông Hồng, tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó cũng sẽ quan tâm đầu tư với quan điểm phát triển đồng đều. Hiện nay Hà Nội có phía Đông phát triển, phía Tây tương đối phát triển, phía Bắc tương lai gần sẽ rất phát triển, nhưng khu vực phía Nam - có nhiều lý do, trong đó có lý do về hạ tầng và tốc độ đô thị hóa rất chậm - sẽ cố gắng tạo động lực phát triển đồng đều.
Đột phá thứ ba là liên quan đến nguồn nhân lực. Phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tận dụng khai thác hiệu quả nguồn lực trí tuệ, nguồn lực chất lượng cao của các cơ quan Trung ương, các trường đại học, các cơ quan trên địa bàn Thành phố; phải lấy khoa học công nghệ làm động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.
Đó là 3 khâu đột phá của giai đoạn trung hạn 5 năm tới, nhưng cũng tạo tiền đề lâu dài, định hướng nguồn lực cho Hà Nội phát triển các giai đoạn sau.
Nguồn lực về văn hóa, văn hiến được cho là rất quan trọng. Hà Nội có kế hoạch gì để phát triển, tận dụng nguồn lực này?
- Nói đến Hà Nội, mọi người đều khẳng định đây là trung tâm văn hóa lớn và là đại diện tiêu biểu cho văn hóa quốc gia. Hà Nội bây giờ mở rộng, bên cạnh Hà Nội cũ – văn hóa Thăng Long - có thêm một vùng nông thôn rất rộng lớn, có truyền thống văn hóa lâu đời và phong phú, là văn hóa xứ Đoài, văn hóa xứ Đông. 12 năm qua đã chứng minh một điều là hai vùng văn hóa này không triệt tiêu nhau mà tạo điều kiện bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Hà Nội xác định văn hóa cùng với con người Hà Nội vừa là mục tiêu phải hướng đến và cũng là nguồn động lực to lớn, rất quan trọng cho Hà Nội phát triển bền vững, đồng thời cũng để tạo dựng nên một bản sắc của Hà Nội, dựa trên nền tảng truyền thống nghìn năm văn hiến và cập nhật, hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới. Hà Nội cũng đã mạnh dạn đăng ký và được công nhận là thành phố sáng tạo. Bản chất của thành phố sáng tạo là phát triển dựa trên nền tảng văn hóa.
Định hướng lớn của thành phố Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa của đô thị Hà Nội cũng như vùng nông thôn của Hà Nội, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là thế mạnh của Hà Nội. Đó không chỉ là câu chuyện về kinh tế. Nếu biết cách khai thác, phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa, cũng chính là một cách tuyên truyền, quảng bá và thực hiện đối ngoại văn hóa, xuất khẩu văn hóa ngay tại chỗ.
Vấn đề thứ 3 là tập trung vào xây dựng con người Hà Nội. Trong thời gian tới, quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học tại Hà Nội là điều không tránh khỏi. Làm thế nào để người Hà Nội vẫn giữ được truyền thống, những người dân từ nơi khác nhập cư vào Hà Nội tiếp nhận được văn hóa Hà Nội, cảm thụ được và biến thành hành động. Vấn đề này Hà Nội xác định phải kiên trì, bởi văn hóa không phải ngày một ngày hai, không phải vài năm mà là quá trình tiếp biến văn hóa, có bồi đắp, có tiếp thu, trên nền văn hóa gốc của Thăng Long – Hà Nội.
Để làm được việc này, cần kiên trì tuyên truyền để người dân tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, ứng xử có văn hóa, có tấm lòng vị tha, bao dung, nhân nghĩa, nhân văn… Vừa qua, trong đại dịch Covid-19 chúng ta phát huy được điều này. Ý thức tự giác là câu chuyện quan trọng nhất. Chính vì thế chủ đề của Đại hội Thành phố đặt ra yếu tố “Gương mẫu”.
Chủ đề Đại hội là Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Trong việc xây dựng, phát triển người Hà Nội thanh lịch văn minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức của Thành phố phải gương mẫu và tự giác thực hiện, để lan tỏa ra xã hội.
Tận dụng nguồn lực chất lượng cao, xử lý nghiêm sai phạm
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, nhiều đơn vị công ty, doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam. Vậy, Hà Nội đặt vấn đề tận dụng nguồn lực này như thế nào?
- Đây cũng là vấn đề mà Hà Nội đã nhận ra đó là chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức phục vụ sự phát triển của Thủ đô. Trong Báo cáo chính trị lần này, một trong những khâu đột phá là phát huy vai trò của đội ngũ trí thức của các cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố cũng như đội ngũ trí thức của Hà Nội.
Thứ hai là phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội có lợi thế đó và phải phát huy được lợi thế này.
Thứ ba, trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần này đề cập đến một việc rất mới, là ý tưởng của đồng chí Bí thư Thành ủy, đó là sẽ thành lập một “Mạng lưới sáng tạo Hà Nội” để thu hút tất cả những trí thức, những ai có tình yêu, mong muốn đóng góp cho Hà Nội, kể cả trong và ngoài nước.
Khi đưa ý tưởng này vào Dự thảo Báo cáo chính trị thì nhiều đơn vị đồng tình, hưởng ứng như ĐHQG Hà Nội, Khối các trường ĐH, CĐ… Các cơ sở đào tạo cũng nhận thấy nếu tham gia cùng với Hà Nội, góp phần cùng với Hà Nội thì sẽ đạt được lợi ích kép. Hà Nội có điều kiện phát triển, kéo theo sự phát triển cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nếu các công ty, doanh nghiệp hấp thụ được nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhu cầu đầu vào của các trường sẽ tăng lên. Nếu khoa học công nghệ phát triển, chuyển đổi số mạnh mẽ thì đó cũng là thị trường rất lớn cho các trường ĐH, CĐ, các Viện nghiên cứu tiếp cận. Việc này cùng với chính sách đặt hàng, liên kết cùng nghiên cứu giải quyết các vấn đề lớn của Hà Nội như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng… sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ tri thức, các trường ĐH, các Viện nghiên cứu đóp góp với Hà Nội nhiều hơn.
Như ông đã nói, cán bộ, đảng viên, công nhân viên Thành phố phải gương mẫu, nhưng thời gian vừa qua có bộ phận nhỏ xa rời dân, tham nhũng vặt, vi phạm pháp luật. Hà Nội đặt vấn đề duy trì kỷ luật đảng, xử lý vi phạm như thế nào?
- Không phải trong nhiệm kỳ này mới đặt ra mà trong các chủ trương, chương trình, nghị quyết, đề án của Thành ủy đều tập trung vào việc này. Trong thực tế, nhiệm kỳ vừa qua, việc xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm, Hà Nội đã làm rất nghiêm, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý. Có lẽ chưa có nhiệm kỳ nào mà số lượng cán bộ, đảng viên, những người giữ cương vị lãnh đạo bị xử lý kỷ luật nhiều như nhiệm kỳ này. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của Hà Nội trong việc thực hiện xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Điều này không chỉ ở cấp Thành phố mà phải được thực hiện ở tất cả các cấp ủy đảng.
Đối với Hà Nội, công việc này rất quan trọng. Có như vậy thì mới tạo được sức chiến đấu của các tổ chức Đảng cũng như củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với tổ chức đảng, chính quyền Thành phố.
Xin cám ơn ông!