Hiện trên thị trường đã có 280 doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn chung và dài hạn.
Ngày 17/12, Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”,
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, tổ chức Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản là một trong những vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam. Do vậy, đã có khoảng 200 đại biểu bao gồm lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; Một số đại sứ quán và tổ chức quốc tế; đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong các lĩnh vực trường tài chính và thị trường bất động sản; các chuyên gia quốc tế đã tham gia trao đổi và đối thoại tại Hội thảo.
Tại hội thảo các đại biểu tập trung bàn về các vấn đề: Lành mạnh hóa thị trường tài chính Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững-Thực tiễn năm 2022 và những vấn đề đặt ra năm 2023; Triển vọng kinh tế vĩ mô 2023 và định hướng điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp; Phát triển Thị trường chứng khoán ổn định, bền vững, hoạt động an toàn, hiệu quả; Những giải pháp khai thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hướng đến phát triển bền vững; Lành mạnh hóa thị trường bất động sản thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững năm 2023.
Tại phần thảo luận của hội thảo, các đại biểu thảo luận về các vấn đề như: Nhận diện rõ những rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính và thị trường bất động sản hiện nay; Những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô; Những chính sách hiện nay của nhà nước để ứng phó với những rủi ro và thách thức đã được nhận diện; Những tiềm năng của thị trường bất động sản và thị trường tài chính Việt Nam; Một số vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ; Một số đề xuất chính sách, giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong thời gian qua thị trường vốn đã từng bước là kênh huy động vốn chung và dài hạn, quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5% giai đoạn 2016-2021.
Đến cuối tháng 11/2022 quy mô của thị trường vốn đạt 105% GDP năm 2021. Trong đó quy mô vốn hoá của thị trường cổ phiếu tương đương 64% GDP. Quy mô của thị trường trái phiếu đạt 41% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp đạt 15% GDP. Quy mô huy động vốn qua thị trường vốn giai đoạn 2021-2021 đạt trên 5 triệu tỷ đồng, tương đương 30% tổng mức vốn đầu tư của toàn xã hội.
Trong bối cảnh đó, theo ông Chi, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp chủ trương chính sách của Đảng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong đó tập trung phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn chung và dài hạn cho nền kinh tế phát triển.
Theo đó, ông Chi khái quát và nhắc đến thị trường vốn và tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
“Thị trường ngày càng phát triển cân bằng giữ thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu; giữa thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp góp phần vào tái cơ cấu nợ công, đầu tư công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế”, ông Chi nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đánh giá, thị trường bất động sản cũng là thị trường quan trọng của nền kinh tế có vai trò thu hút các nguồn lực và tạo ra các tài sản cố định, thúc đẩy nhiều ngành lĩnh vực khác cùng phát triển như: xây dựng, sản xuất công nghiệp, du lịch. Nhu cầu vốn cho thị trường bất động sản cũng rất lớn và đa dạng bao gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn tín dụng ngân hàng, vốn từ thị trường cổ phiếu, và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Thông qua thị trường vốn, các doanh nghiệp bất động sản huy động được khối lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu để thực hiện các dự án đầu tư.
Ông Chi cũng cho biết, hiện nay trên thị trường đã có 280 doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn chung và dài hạn. Trong năm 2021 các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn chiếm 33,6% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Khối lượng huy động vốn thông qua cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đại chúng chiếm 25% khối lượng phát hành năm 2021.
Như vậy, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng thì thị trường vốn đã trở thành kênh dẫn vốn chung dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản, và giảm cung vốn từ kênh tín dụng ngân hàng. “Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường vốn hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý cân đối giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, và thị trường chứng khoán “tái sinh” trong thời gian tới”, ông Chi cho hay.