Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công bố triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) ngày 21/11 do Tổng cục Thuế tổ chức, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu phải tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu 100% doanh nghiệp trên cả nước áp dụng thành công HĐĐT từ 1/7/2022, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính, ngành Thuế phải tiếp tục xây dựng hoàn thiện hơn nữa hệ thống hóa đơn điện tử đảm bảo thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an toàn, giảm chi phí cho người nộp thuế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý hóa đơn điện tử, nhất là trong những lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới...
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trước mắt trong tháng 11, ngành Thuế triển khai tại 6 địa phương, gồm Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định và Phú Thọ.
Chủ động, ngành Thuế TP HCM đã và đang tiếp tục gửi thông báo đến từng doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về thời điểm chuyển đổi sang HĐĐT theo chuẩn mới. Người nộp thuế cũng có thể chủ động nộp tờ khai đăng ký sử dụng. Sau khi đăng ký sử dụng HĐĐT theo mẫu, trong một ngày, cơ quan thuế sẽ có phản hồi có chấp nhận hay không qua email.
Việc áp dụng HĐĐT sẽ hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn, vấn đề nhức nhối bấy lâu. Đã không ít vụ sản xuất, mua bán hóa đơn giả bị phát giác, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử. Không ít doanh nghiệp có vốn nước ngoài lẫn doanh nghiệp nội đã từng bị phát hiện trốn thuế khi “phù phép” hóa đơn, hoặc bán hàng nhưng không xuất hóa đơn.
HĐĐT cũng chính là góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, HĐĐT không chỉ ngăn chặn, hạn chế gian lận thương mại, vi phạm pháp luật; giảm thiểu thủ tục hành chính mà còn tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Theo giới chuyên gia, HĐĐT còn giúp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho biết, khi sử dụng HĐĐT thì người mua hàng hóa, dịch vụ có thể dễ dàng tra cứu và đối chiếu được HĐĐT do người bán cung cấp vì sau khi nhận HĐĐT người mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ yên tâm khi có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Mặt khác, HĐĐT giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn), giảm chi phí thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm thời gian.
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng HĐĐT giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Nhiều người nhận xét, HĐĐT khi sử dụng rộng rãi sẽ là “mũi tên trúng nhiều đích”: Khách hàng yên tâm, doanh nghiệp đỡ tốn kém, thuận lợi cho cơ quản quản lý nhà nước và minh bạch hóa thị trường, chống gian lận thương mại.
Thực tế đã từng có không ít doanh nghiệp “ma” bỏ trốn, mất tích nhằm trốn thuế. Khi sử dụng chữ ký số của người bán thì khả năng làm giả hóa đơn là khó. Và nếu có gian lận thì việc phát hiện cũng dễ hơn nhiều so với hóa đơn giấy.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, là công cụ để điều tiết nền kinh tế, thực hiện công bằng xã hội. Chính vì thế, việc “khai tử” hóa đơn giấy để chuyển sang HĐĐT là rất quan trọng, cần sớm được đẩy nhanh.