Những ngày này, miền Bắc chìm trong rét buốt, có nơi dưới 0 độ C. Trời lạnh sâu khiến nhiều người phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, xương khớp; đặc biệt nhiều người già bị đột quỵ.
Ghi nhận tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng trẻ thăm khám, nhập viện điều trị ngày 23/1 tăng hơn so với những ngày trước đó khoảng 20%. Các bác sĩ cho hay, có nhiều bệnh nhi do bố mẹ chủ quan nên khi nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, thậm chí là rất nặng, sốt cao, co giật...
Tại khoa cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô), những bệnh nhân cao tuổi tại đây đều nhập viện trong tình trạng nặng. BS Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, các bác sĩ đã liên tục cấp cứu các trường hợp nhập viện do bệnh lý tim mạch và hô hấp liên quan đến yếu tố thời tiết.
Còn tại khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt miệng, méo miệng). Đáng nói, không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng nhập viện do chủ quan không giữ ấm cơ thể. Theo BS Đoàn Văn Phúc - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 3 - 5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người già và người trẻ. Theo đó, có đến 70 - 80% nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chủ quan, không giữ ấm cơ thể khi giá lạnh.
Thông tin tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang cũng cho biết, trong những ngày qua bệnh viện đã tiếp nhận 69 bệnh nhân đến khám, trong đó có 39 trường hợp được chỉ định nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp như: Viêm phổi, suy hô hấp cấp của bệnh phổi tắc nghẽn, lao phổi. Bệnh nhân tăng đã nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện lên 445 trường hợp (tăng hơn 20 trường hợp so với tuần trước), trong đó có 48 bệnh nhân nặng.
Ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, rất nhiều phụ huynh đưa con nhập viện khám, điều trị trong những ngày nhiệt độ xuống thấp vừa qua. BS Đậu Thị Hội - Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, hiện số lượng bệnh nhi đến khám có tăng lên, trung bình một ngày 600 - 700 bệnh nhân thăm khám tại bệnh viện. Trong đó, 1/3 số bệnh nhân thăm khám phải nhập viện điều trị nội trú. Các bệnh lý thường gặp mùa này như bệnh lý về đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, viêm VA, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, cúm A, cúm B...
BS Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, khi thời tiết trở lạnh đột ngột, sự mất cân bằng giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời có thể khiến cơ thể không thể thích nghi kịp. Tình trạng này gây ra cơ chế co thắt của mạch máu khi gặp nhiệt độ lạnh, cũng như dễ hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu não, làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu. Cùng với đó, tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, gây xuất huyết não. Ngoài ra, tắc mạch vành (mạch máu nuôi tim) dẫn đến nhồi máu cơ tim, từ đó tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như tai biến mạch máu não và các bệnh lý tim mạch.
BS Mạnh cảnh báo, người cao tuổi dậy sớm đi tập thể dục giữa trời rét dễ dẫn đến huyết áp tăng cao, đột quỵ. Đột quỵ trong lúc chơi thể thao, tập luyện thể dục thường gặp ở người có sẵn yếu tố nguy cơ, dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não.
Dự báo rét đậm, rét hại còn có thể kéo dài trong những ngày tới. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, diễn biến thời tiết bất thường có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em. Để giảm thiểu tác hại của thời tiết, Cục yêu cầu các cơ sở y tế trang bị đèn sưởi, điều hòa cho các phòng cấp cứu, phòng đẻ, phòng có trẻ sơ sinh, người cao tuổi và một số phòng đặc biệt, để giúp giữ ấm cho người bệnh; trang bị thêm chăn ấm cho những phòng chưa có điều hòa và đèn sưởi.
Trước đó, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa lạnh.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo cơ sở y tế các cấp trên địa bàn đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.