Kinh tế

Lào Cai: Giúp người dân thích ứng và giảm rủi ro thiên tai

H.Thu 25/11/2023 11:07

Trong 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra hàng chục đợt rét đậm, rét hại; hàng trăm trận mưa lớn, lũ quét, hàng trăm đợt sạt lở đất cùng với nhiều loại hình thiên tai khác gây thiệt hại nặng nề về người và hoạt động sản xuất nông nghiệp, công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi... Tổng thiệt hại về kinh tế ở mức trên 6.000 tỷ đồng.

Tìm giải pháp sinh kế thích ứng

Do ảnh hướng của biến đổi khí hậu, tại Lào Cai, các hình thái thời tiết cực đoan như rét hại, mưa tuyết và sương muối, bão lũ, hạn hán... nhiều năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, vật nuôi.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Lào Cai đã xảy ra 23 đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản khiến 18 người chết và bị thương. Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế trên 1.100 tỷ đồng; trong đó, riêng thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước là trên 751 tỷ đồng. Điều này cho thấy diễn biến thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong năm 2023 rất phức tạp, khó lường, nhiều loại thiên tai xảy ra bất ngờ với cường độ mạnh.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai, từ cuối tháng 11/2023 đến tháng 4/2024, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn tỉnh; đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, từ nửa cuối tháng 11/2023.

Trước thực trạng đó, nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng, địa phương đang từng bước triển khai và nỗ lực tìm giải pháp sinh kế phù hợp nhằm hỗ trợ nhân dân từng bước thích ứng với tác động của khí hậu.

anhbai-laocai-25-11-a.jpeg
Cần thiết việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch của địa phương.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm rất lớn. Vì vậy, việc khắc phục thiệt hại, tái thiết sau thiên tại gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Lào Cai đã và đang từng bước triển khai và nỗ lực tìm giải pháp sinh kế thích ứng nhằm hỗ trợ nhân dân giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, Lào Cai đã tập trung đầu tư, cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất sinh kế có hiệu quả như mô hình trồng mới và thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGAP; trồng rau an toàn; Dự án Xây dựng mô hình trồng thâm canh tạo nguồn thức ăn quanh năm cho trâu bò các tỉnh miền núi phía Bắc...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong cho biết, trước tác động bất lợi của thời tiết, Lào Cai đã đẩy mạnh các biện pháp thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, kết hợp với đào tạo, tập huấn, xây dựng các mô hình để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho từng người dân, từng hộ gia đình và cả cộng đồng hiểu rõ và tự giác, đồng lòng thực hiện nhằm giảm thiểu tác động thiên tai. Tuy vậy, để giải pháp kỹ thuật đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao, bền vững, vẫn cần các giải pháp căn cơ, khả thi hơn trong thời gian tới.

Chú trọng sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu lạnh tốt

Tại tọa đàm “Giải pháp sinh kế thích ứng với giảm thiểu rủi ro thiên tai vì cộng đồng” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức cuối tháng 11/2023, hơn 60 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, nông dân đã thống nhất chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thiên tai, đồng thời đề xuất kiến nghị xây dựng các mô hình được thuận lợi hơn.

Theo đó, để thích ứng, giảm nhẹ tác hại của rét đậm, rét hại, sương muối - loại hình thiên tai điển hình đối với sản xuất nông nghiệp tại Lào Cai, các đại biểu cho rằng, địa phương cần sử dụng giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu lạnh tốt. Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo Lào Cai cần sử dụng giống lúa lai, ngô lai F1, các giống lúa thuần thuộc dòng Japonica có gen chịu lạnh; giống rau, cây ăn quả có nguồn gốc á nhiệt đới, ôn đới...

Ở những khu vực núi cao, nơi có nguy cơ xuất hiện băng giá, sương muối cao trong mùa đông như Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà... không bố trí trồng các loại cây lâu năm kém chịu lạnh như cà phê, cao su, cây ăn quả nguồn gốc nhiệt đới. Nếu trồng các loại rau, hoa cao cấp cần xây dựng nhà lưới, nhà màng để hạn chế thiệt hại do rét hại, sương muối. Trong chăn nuôi, ngoài các giải pháp che chắn cho chuồng trại, chuẩn bị vật liệu chống rét thì giải pháp về thức ăn cho gia súc cần phải được đặc biệt chú trọng.

anh-lao-cai-25-11-b.jpg
Làm giàn che phủ nilon và bón tro bếp chống rét cho mạ xuân.

Trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi trong môi trường khí khắc nghiệt, nông dân Lê Văn Đức, thị xã Sa Pa chia sẻ, việc dự phòng thức ăn rất quan trọng vì cung cấp thức ăn đầy đủ thì trâu, bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét, không bị chết rét. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong phòng chống đói, rét cho trâu, bò mùa đông. Cụ thể, theo anh Lê Văn Đức, nên dự trữ thức ăn cho trâu bò như phơi khô cỏ và chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp, ủ chua một số loại cỏ, chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp có sẵn ở địa phương để cung cấp thức ăn thô xanh cho trâu, bò trong vụ đông. Ngoài thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, cần bổ sung vitamin và khoáng chất (đá liếm).

Ngoài ra, để có giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng, nông dân Lào Cai đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu. Những diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, ngập úng sẽ được chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp.

Về vấn đề này, ông Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, tại Lào Cai đã có hàng trăm ha đất được chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp: rau ngắn ngày, dâu tằm, cây ăn quả chịu hạn, chịu ngập úng... Qua đó, đã tận dụng được diện tích đất mà trước đây rất khó canh tác để đưa vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Điển hình, đối với địa bàn vùng thấp hay ngập lũ vào tháng 10 tại Lào Cai như các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, nhiều hộ nông dân đã đề xuất giải pháp mở rộng thay thế diện tích cây lúa trồng 1 vụ bằng cây ngô sinh khối để giảm thiểu tác động của thiên tai bởi cây ngô có khả năng chịu ngập trong nhiều ngày. Chị Nguyễn Thị Hà, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng chia sẻ, khu vực tôi trồng vụ chính là vụ đông, nên tầm tháng 9, 10 là ngập lụt mà giống sinh khối này có bộ rễ khỏe chắc, thích ứng chịu nước được, chịu gió được và cây phát triển nhanh. Chuyển sang trồng ngô sinh khối, thời gian rút ngắn, nên các hộ dân có thể tăng thêm diện tích trồng vụ đông.

Nhìn rõ hơn những nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay, bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng Phòng Khuyến nông - Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho rằng: Thời gian tới tỉnh Lào Cai cần tăng cường công tác dự báo, coi trọng phòng ngừa, chủ động ứng phó, thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn về phát triển nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rủi ro và quản lý rủi ro thiên tai; ứng dụng công nghệ để nhân rộng và phát triển mô hình sinh kế bền vững trong nông nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lào Cai: Giúp người dân thích ứng và giảm rủi ro thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO