Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 mới đây, khi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu tiếp tục đề cập đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần. Đối tượng rút bảo hiểm xã hội một lần đa số là lao động nữ, và cũng vì thế họ bỗng bị rơi vào nhóm yếu thế.
Nhiều ĐBQH đặt vấn đề về việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và nhất là đối tượng lao động nữ.
Cùng với hội nghị ĐBQH chuyên trách, thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tổ chức hội nghị về vấn đề BHXH (ngày 27/3). Theo cán bộ Công đoàn Khu Công nghiệp - chế xuất Hà Nội, lý do một số người lao động rút BHXH một lần là do họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút BHXH một lần. Một số ý kiến khác lại cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ là quá dài, họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này.
Cũng chính vì thế, số lao động nữ chủ động rút BHXH một lần khá nhiều. Nhiều người trong số họ sau khi rút BHXH một lần đã ở nhà nội trợ, làm tăng gánh nặng lao động cho người chồng và cũng khiến kinh tế gia đình khó khăn hơn. Bản thân người phụ nữ có thể phải đối mặt với nhiều căng thẳng khi không đi làm.
Thời gian qua, cơ quan BHXH cũng như những cơ quan liên quan đã đưa ra những phân tích người lao động sẽ thiệt thòi lớn khi rút BHXH một lần. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng sẽ không ai rút BHXH một lần nếu việc không rút đem lại quyền lợi cho họ. Khi không nhìn thấy cái lợi của việc kéo dài đóng BHXH thì việc rút BHXH sẽ là một lựa chọn. Cần có sự thấu hiểu và cảm thông và hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động để nhận định. Khi quyền lợi trước mắt chưa bảo đảm, chưa ổn thì thật khó để nghĩ đến quyền lợi lâu dài.
Thực tế cho thấy, nhiều người lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ chọn cách rút BHXH một lần là do cần có những chi phí trang trải cuộc sống gia đình. Không có việc làm mới, không có tiền lương thì rút BHXH một lần để giải quyết các nhu cầu cuộc sống không chỉ là việc thúc bách mà còn là lối ra tất yếu.
Không phải người lao động không nhìn thấy khoảng trống quyền lợi khi về già, khi rời nhà máy lúc tuổi đã cao. Do đó, cơ quan BHXH cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động, cần có quy định tăng quyền lợi người tham gia BHXH nhằm giữ họ ở lại với hệ thống, thay vì hạn chế quyền rút BHXH một lần, hoặc những giải thích thiếu tính thực tế.
Theo ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định), Nhà nước cần tính toán phương án để hỗ trợ cho người lao động, như chính sách về tín dụng, để họ không phải rút BHXH một lần. Còn ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cho biết, hiện có khoảng 17 triệu người, tức là khoảng 38% lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm. Không có gì đảm bảo rằng đối tượng này sẽ không rút BHXH một lần. Để giữ chân người lao động có thể cho rút 50%; đồng thời hỗ trợ cho vay thông qua ngân hàng chính sách để giúp họ vừa có điều kiện tham gia BHXH, vừa giải quyết được khó khăn kinh tế trước mắt.
Cần phúc lợi tốt hơn cho lao động nữ. Theo bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, không ai muốn rút bảo BHXH một lần nếu như việc để lại có lợi cho họ. Vì thế cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH thay vì hạn chế quyền rút của người lao động; đặc biệt cần có thêm quyền lợi về khám sức khỏe, nghỉ thai sản, trợ cấp thai sản, hưởng chế độ khi con bị ốm đau cho lao động nữ.
Nói như ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì trong dự thảo Luật BHXH, ngoài những nội dung chung, những quy định đặc thù cho nữ, bảo vệ nữ, bảo đảm bình đẳng giới là rất quan trọng, nhất là vấn đề thai sản, nghỉ hưu, BHXH một lần. Ông Hiểu cũng cho biết, thống kê cho thấy số người rút BHXH một lần chủ yếu là nữ. Đối tượng không được thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH cũng chủ yếu là nữ. Nói cách khác, lao động nữ tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương.
Vì thế, Luật BHXH (sửa đổi) cần có những quy định sát hợp thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là đối với lao động nữ.