TS Lê Kiên Thành sinh năm 1955, ông là con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Là Tiến sĩ Toán - Lý, ông có 11 năm phục vụ trong quân đội. Ông được đào tạo tại Trường Lái máy bay Kratxnoida và Học viện Kỹ sư không quân Giucopxky, Liên Xô, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna, Liên Xô. TS Lê Kiên Thành từng công tác tại Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Khoa học Việt Nam.
PV: Trong cuốn sách “Những khoảnh khắc Sống” mà ông vừa cho ra mắt bạn đọc cách đây ít lâu đã tái tạo lại ký ức cách đây 50 năm, khi đất nước đang trong thời kỳ chiến đấu cam go, quyết tâm dành lại thống nhất đất nước. Đọc những gì ông viết, có thể thấy tinh thần lãng mạn thấm đẫm mỗi trang sách. Sự lãng mạn ấy, cũng là phần tạo nên sự kỳ vỹ của một dân tộc, lại qua hình ảnh rất giản dị, đời thường với một cậu bé con lẫm chẫm bên ba, mẹ - hai dấu ấn tiêu biểu đã cùng nhân dân làm nên Chiến thắng lịch sử 30/4/1975?
TS Lê Kiên Thành: Tôi còn nhớ hồi 3 tuổi, sống tại 74 Phan Đình Phùng, một ngôi nhà nơi góc đường. Tôi xa mẹ. Chăm tôi là một người giúp việc hơi méo miệng, nên chúng tôi gọi là bà “Hai Méo”. Bà phát âm không chuẩn. Tôi sống trong vòng tay ấm áp của bà, thay mẹ. Điểm lại thời gian những gì còn nhớ, tôi không hiểu vì sao khi đó chỉ 3 tuổi mà ký ức vẫn hiển hiện. Tôi ở nhà tại Hà Nội với ba. Mẹ tôi sang Trung Quốc công tác. Sinh em trai tôi là Lê Kiên Trung tại Trung Quốc. Tôi và em cách nhau 3 tuổi. Những ngày xa mẹ, tôi ngồi trong nhà, chờ mỗi khi bố đi làm về, lại len lén bò từng bậc cầu thang để lên phòng ông, rồi lại bò lên bụng ông nằm. Nhiều lần, đang bò lên cầu thang thì chú cảnh vệ bắt gặp, không cho lên, vì để ba nghỉ. Đến khi được sang Trung Quốc gặp mẹ. Tôi nhớ bước chân nhỏ của mình in từng dấu trên tuyết, nhớ mãi cảm giác khi gặp một phụ nữ xinh đẹp và được giới thiệu đây là mẹ con, đây là em trai con. Tôi ngắm mẹ, rồi nhìn cậu bé vài tháng tuổi được quấn trong lớp tã, tay chân được đeo bao ấm áp. Từ ký ức tôi còn nhớ được đến bây giờ, để hiểu, mình được sinh ra trong một gia đình rất không bình thường.
Khi ba làm đến chức vụ quan trọng của Đảng, cuộc sống của chúng tôi có những điều đặc biệt, có gì đó xao xuyến, bất thường.
Khi ba tôi làm Bí thư thứ nhất, gia đình tôi chuyển sang ở tại số 6 Hoàng Diệu. Căn nhà chỉ có một cái quạt trên phòng ba, còn các con thì không. Ba tôi thương con, mang quạt sang cho chúng tôi dùng. Ông nói, ông đã quen nóng vì sống trong tù nhiều rồi. Ba tôi đi nước ngoài, mượn quần áo mặc, chứ không được may sẵn. Đến khi ông được phát một bộ Pijama thì từ chối không mặc vì chỉ muốn mặc quần áo của ông.
Kể lại những câu chuyện như thế để có thể hình dung ra tuổi thơ của chúng tôi. Chúng tôi không phải sinh ra đã được bọc điều. Khi có chiến tranh, sơ tán về nông thôn, mọi người chỉ biết chúng tôi từ Hà Nội về, không biết là con ai. Khi về nông thôn, tôi cũng cầm cuốc phồng rộp tay, gánh quang gánh u cả vai. Vì thế, lúc mọi người biết chúng tôi là con ông Ba thì ai cũng ngạc nhiên...
Mẹ tôi về Hải Phòng công tác, tôi theo mẹ. Cuộc sống của mẹ con tôi gắn bó với mọi đời sống bình thường khác. Tôi còn nhớ cái bếp nhồi mùn cưa. Các bạn đồng trang lứa với tôi đều là con cán bộ mà bạn nào cũng biết đi chợ mua đồ rất giỏi, chọn đồ tươi ngon, về biết nấu ăn cho gia đình. Tôi được học hỏi rất nhiều khi sống bên những người bạn như vậy. Những điều này giúp cho tôi khi đi bộ đội không có gì bỡ ngỡ, từ cuốc đất, gánh gồng, giúp chị nuôi chẳng thiếu việc gì. Chính vì thế tôi hòa đồng được với mọi người. Tôi nhớ ông tiểu đội trưởng lần đầu gặp, ông gườm gườm nhìn tôi, gật gật ý xem tôi là kiểu thế nào, rồi sau đó, ông lại là người yêu quý tôi nhất.
Còn những kỷ niệm của ông về Tổng Bí thư Lê Duẩn? Khi trò chuyện, tiếp xúc với ông, có thể thấy, ông được ba mẹ giáo dục rất nghiêm khắc với tình yêu thương, trách nhiệm tràn đầy?
- Ba tôi là người tương đối đặc biệt, sau mỗi bữa cơm chiều, thường ngồi uống nước với các con, chỉ kể chuyện cách mạng, về tuổi thơ của ông. Thuở nhỏ, ba tôi được ông bà nội ôm ấp yêu thương vì là con trai duy nhất trong nhà, đến mức mọi người lo ba sẽ không ngoan.
Khi còn rất nhỏ, ba tôi ưa thích ngồi nghe các bác các chú trong nhà nói chuyện cách mạng. Trong làng có những người bằng tuổi ba đã chèo thuyền ra cồn giữa dòng Thạch Hãn. Nghe những chuyện ấy, tinh thần ông hừng hực, có thể cảm thấy mình như con đại bàng tung cánh bay khắp đất nước.
Gia đình bên nội tôi là quan võ triều Nguyễn nên các bác, các chú của ba tôi rất có khí phách. Ba tôi cho rằng, bản thân ba được truyền tinh thần từ tổ tiên. Ba kể, khi ông nội bắt đi học phải giỏi, ba tôi trả lời, học thì để làm cái gì lớn lao mới đúng. Ngay từ nhỏ, ba tôi thường có sự phản ứng với ông nội rất dữ dội. Nên khi ở nhà, ông nội trên nhà thì ba xuống bếp. Đến khi ba tôi bị bắt ở Côn Đảo, bà nội thương con quá, để thư của con trai trong túi trên ngực. Bức thư cuối cùng viết cho bà nội là lúc ba tôi bị mù do biệt giam không thấy ánh sáng. Bà nội đọc thư xong, thì mất. Đám tang bà nội tôi rất đông người tới chia buồn. Bà nội được chôn cùng túi thư của ba tôi trước ngực. Bà nội mất được mấy tháng thì ba tôi ra tù. Điều ba tôi ân hận nhất, là không được nói với bà nội rằng: “Bọn con đã làm được rồi”, khi mà bà từng nghĩ ba tôi không thể làm.
Ông còn nhớ hoàn cảnh, diễn biến của ông và gia đình vào ngày lịch sử 30/4/1975, cách đây 50 năm?
- Ngày 30/4/1975 tôi đang đi học kỹ sư không quân ở Moskva. Khoảng 6 giờ sáng, 11 giờ Việt Nam, các học viên sĩ quan người Đức ùa ra, đập cửa, nói với tôi, Việt Nam giải phóng rồi! Trước đó, tôi có xem các bước tiến của quân ta từ Đà Nẵng mà vẫn không tưởng tượng được là chúng ta chiến thắng thần tốc như vậy. Đối với cá nhân tôi, điều đó như trong mơ. Thời chúng tôi, cái gì không thể đều nói với nhau: “Đợi đến thống nhất”. Nó là thành ngữ chỉ việc không thể xảy ra. Thế mà đất nước thống nhất rồi. Nên điều ấy vô cùng kỳ lạ.
Sau đó, tôi được nghe mọi người kể lại, khi Bộ tham mưu báo cho ba tôi đã cắm được cờ trên Dinh Độc Lập, ông bảo chú Phú, cận vệ của ông, lấy cho ông điếu thuốc… Khi ở Hà Nội đi khám bệnh, do bị tra tấn nhiều quá nên ba tôi bị dập hết phổi, bác sĩ không cho ông hút thuốc. Trước đó ông hút thuốc đến xám cả tay. Nghe lời bác sĩ, ông bỏ hoàn toàn không còn động đến. Nhưng giờ khắc lịch sử ngày 30/4, ba tôi tự cho phép mình cầm lại điếu thuốc, vốn có hại cho sức khoẻ. Đối với tôi, đó là điều đặc biệt. Rất tiếc, ngày 30/4/1975, tôi không ở Việt Nam nên chỉ được chứng kiến qua phim ảnh, báo chí. Trước ngày 30/4/1975, người Nga nhìn chúng tôi đầy thương cảm, mà không biết chúng tôi được sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trưởng thành trong chiến tranh. Họ mong muốn chúng tôi ở lại, mà không biết chúng tôi chỉ mong học xong để trở về đất nước. Nhất là khi nghe tin năm 1972, Mỹ ném bom Hà Nội, học viên chúng tôi, những người con Hà Nội ngồi với nhau, chỉ mong được về chiến đấu và sẵn lòng hi sinh cho mảnh đất quê hương, sẵn sàng hi sinh thân mình để cứu bao người dân. Chúng tôi trò chuyện về việc ấy khi mới 17 tuổi. Tất cả coi sự sống chết rất nhẹ nhàng.
Xin ông cho biết cảm nhận của ông về đất nước trong những ngày này?
- Để thống nhất đất nước, cha ông ta đã phải hy sinh rất lớn. Việc thống nhất đất nước nếu không kiên quyết làm thì sẽ rất khó để thực hiện được, không biết bao giờ làm được. Nên cha ông ta đã nỗ lực phi thường để đất nước thống nhất, để con cháu được lớn lên trong hoà bình. 50 năm kỷ niệm chiến thắng lịch sử này, cũng là lúc chúng ta phải nhìn lại, để hứa với thế hệ 50 năm sau, khi kỷ niệm 100 năm ngày đất nước thống nhất, thế hệ đó sẽ nói về chúng ta với sự tôn trọng tự hào.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhìn lại hành trình đời người, điều gì ở ba ông khiến ông nhớ và ngưỡng mộ nhất? Và nếu được nhắn gửi một điều với cha mình, ông sẽ nói gì?
Với ba tôi, điều đi theo suốt cuộc đời ông là tình thương yêu với người nghèo. Khi ba tôi còn nhỏ, khi đi qua một nhà có nồi khoai to, bà nội từng nói, không biết bao giờ được có nồi khoai đó. Ba tôi đã khóc và ông mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho người nghèo vì luôn có hình ảnh của mẹ ông trong đó. Tôi sẽ xin lỗi vì tôi chưa làm được nhiều điều mà ông mong đợi. Nhưng tôi cũng tự hào với ông là tôi đã cố gắng sống xứng đáng với tên Lê Kiên Thành mà ba mẹ đã đặt cũng như là con trai của ông.