Bàn về chất lượng nguồn nhân lực, Ngân hàng Thế giới từng đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp thứ 11 trong tổng số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.
Trong khi Ấn Độ đạt 5,76 điểm, Malaysia đạt 5,59 điểm, Hàn Quốc Đạt gần 7 điểm,… Đánh giá này cũng cho biết thêm, nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động, sáng tạo công nghiệp.
Lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động hiện tại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lợi thế về lao động giá rẻ đang dần mất đi nếu chỉ tập trung vào khâu gia công. Sắp tới xu hướng tự động hoá sẽ lên “nắm quyền”. Dự báo, xu hướng mới hình thành và xác lập thì ngành dệt may các nước sẽ mất đi rất nhiều việc làm.
Theo tính toán, khoảng 20 năm sau với sự phát triển tự động hoá thì 88% lao động Campuchia đang làm trong ngành dệt may, giày dép mất việc làm, Việt Nam là 86% và Indonesia là 64%.
Mặc dù kinh tế trong nước khá ổn định và tăng trưởng song tăng trưởng toàn cầu, thương mại không có dấu hiệu sáng lạng lên. Như vậy, tới đây DN sẽ đối diện với môi trường đầy bất rắc, thị trường đầy rẫy rủi ro. Trước những bất trắc bên ngoài và những yếu kém nội tại sẽ làm cho bất trắc càng đội lên cao hơn.
Do vậy, DN cần thiết phải xem lại yếu kém nội tại. “DN phải chuyển sang các vị thế mới, cao hơn không được dừng mãi ở điểm thấp, giá rẻ. Tuỳ vào từng DN, ở từng lĩnh vực mà mọi người suy nghĩ và xác định hướng đi”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh. Dựa trên chất lượng lao động hiện nay, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn- Giảng viên ĐH Fulbright khẳng định, DN phải nỗ lực thoát được 3 cạn bẫy về vốn, công nghệ và thu nhập trung bình vì mô hình tăng trưởng có 3 yếu tố trên.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong chuyến tàu hội nhập nếu để lỡ tàu thì sự tục hậu càng lớn, chỉ cần tụt hậu một chút là bị bỏ xa lắc xa lơ.
Bởi lẽ, trước kia từ đi bộ đến đi ngựa và lên hơi nước sẽ vẫn có thời gian để đuổi theo nhưng giờ nếu để tụt hậu thì sẽ là khoảng cách giữa đi bộ với tốc độ của tên lửa. Yêu cầu cấp bách hiện nay cần tập trung đào tạo tốt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề cao để chủ động hội nhập, thay vì có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi…