Lò đốt rác thải HT2500-MT03 đang hoạt động tại thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có tới 2 văn bản thẩm định, đánh giá công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh và Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang với nội dung “vênh” nhau.
Kết quả thẩm định “vênh” nhau
Ngày 10/2/2020, Công ty TNHH môi trường Bầu Trời Xanh Yên Phong có văn bản số 10-02/BTXYP gửi Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh, về việc thẩm định công nghệ lò đốt rác thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03, công suất đốt 2.500 kg/giờ.
Việc làm này nhằm giải quyết thực trạng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày một lớn và nằm trong lộ trình thực hiện đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025 của tỉnh Bắc Ninh, xây dựng các lò đốt rác thải sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đường vào, cùng hạ tầng phụ trợ.
Tiếp nhận văn bản đề nghị, ngày 14/2/2020, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh có quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thẩm định công nghệ lò đốt rác thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03 kể trên.
Ngày 8/5/2020, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh ra văn bản số 464/SKHCN- QLCNg về việc “Thẩm định công nghệ lò đốt rác thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03” gửi Công ty TNHH môi trường Bầu Trời Xanh Yên Phong.
Nội dung văn bản thể hiện, công nghệ lò đốt rác thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03, công suất lò đốt 2.500kg/giờ do Công ty TNHH môi trường Bầu Trời Xanh Yên Phong làm chủ đầu tư được Công ty CP Cơ khí Hợp Tiến nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bảo đảm các tiêu chuẩn về công nghệ đối với lò đốt rác thải sinh hoạt tại địa phương, phù hợp với quy mô cấp xã, liên xã, thị trấn ở Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Các thông số về nhiệt độ của công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt đáp ứng được yêu cầu quy chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT và quy chuẩn QCVN30:2012/BTNMT tại thời điểm kiểm tra.
Cùng thời điểm, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) có công văn gửi Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang, về việc thẩm định công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03 hiện đang vận hành tại thị trấn Chờ, do Công ty TNHH môi trường Bầu Trời Xanh Yên Phong làm chủ đầu tư. Công văn gửi đi xuất phát từ dự án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt của huyện Yên Dũng.
Ngày 23/6/2020, Hội đồng thẩm định công nghệ của Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá thực tế đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03 hiện đang vận hành tạị thị trấn Chờ. Đến ngày 29/6/2020, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang ban hành công văn số 565/KHCN-QLCN về việc thẩm định đánh giá công nghệ lò đốt kể trên. Điều đáng nói là nội dung công văn này của Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang, gần như trái ngược với kết quả thẩm định công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt đã được Sở KH&CN Bắc Ninh ban hành trước đó (ngày 8/5/2020). Công văn của Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang chỉ rõ: Công nghệ sử dụng các số liệu lò đốt tại thị trấn Chờ là chưa phù hợp. Kèm với đó là 5 nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung đối với lò đốt HT2500-MT03, trước khi đi vào vận hành.
Về sự việc trên, ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Kết quả thẩm định công nghệ lò đốt rác thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03 dựa trên kết luận công bố của Hội đồng đánh giá công nghệ. Ông Thành cũng cho biết, ông không quan tâm tới việc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang ban hành công văn thẩm định công nghệ lò đốt rác đang vận hành tại thị trấn Chờ “vênh” với nội dung thẩm định công nghệ do Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh ban hành trước đó.
Xây dựng, lắp đặt xong rồi mới đề nghị thẩm định
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, ông Lê Xuân Tâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh, người kí ban hành văn bản thẩm định công nghệ lò đốt lại cho biết: “Họ xây dựng lò xong rồi. Họ lắp đặt hệ thống công nghệ xong rồi thì họ mới đề nghị phía sở mình thẩm định. Cho nên bây giờ là phía mình thẩm định công nghệ lò trên sự đã rồi. Bản chất hồ sơ công nghệ họ chỉ có thế. Hội đồng đã có ý kiến khuyến cáo. Và có những thứ họ khắc phục được, có những thứ họ không thể khắc phục nổi”.
Theo nhận định của ông Tâm, lò đốt rác thải rắn sinh hoạt HT2500-MT03 sẽ vẫn phải hoạt động với công nghệ “chưa thể cải tiến được” bởi “họ lắp đặt hệ thống công nghệ xong rồi”. Được biết, ông Tâm giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định công nghệ lò HT2500-MT03 hiện đang hoạt động ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, lò đốt rác sinh hoạt HT2500-MT03 thị trấn Chờ nằm chính giữa khu vực giao nhau của hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng, gồm các xã Văn Môn, Yên Phụ và thị trấn Chờ.
Ranh giới lò đốt rác với cánh đồng huyện Yên Phong được chủ đầu tư đóng cọc, quây tôn một cách vô cùng tạm bợ. Do chỉ được quây tôn, nên hệ thống tường rào này không đủ lực ngăn khối lượng lớn xỉ lò từ phía trong đổ tràn xuống hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng.
Nhiều người dân đi làm đồng không giấu nổi bức xúc, phản ảnh rằng xỉ lò, nước rỉ rác thải xuống kênh mương khiến tay chân họ bị ngứa ngáy, lở loét da sau những buổi ra đồng lấy nước tưới tiêu.
Qua những tấm tôn quây rách bươm, phóng viên dễ dàng để nhận ra lượng xỉ lò phát sinh trong quá trình đốt rác là không hề nhỏ. Lượng xỉ phát sinh này được nhân công làm lò đánh đống, đổ sát ngay… mép bờ cánh đồng lúa huyện Yên Phong. Chưa hết, công nghệ lò đốt này cũng khá lạc hậu, bằng chứng là, rác được nạp thủ công. Liên tục có hai nhân công dùng xẻng cán dài đẩy rác vào miệng lò. Về công nghệ này, nội dung công văn thẩm định do Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang chỉ rõ “chưa mô tả rõ việc xử lý tro xỉ, nước rỉ rác, mùi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Định, Phó Phòng TN&MT huyện Yên Phong cho hay, hiện lò HT2500-MT03 hoạt động ổn, đốt hết lượng rác thải phát sinh trên địa bàn, trung bình 40 tấn/ngày. Do lò hoạt động theo hình thức xã hội hóa, nên huyện chi trả theo đơn giá tạm tính 430.000 đồng/tấn.
Khi được hỏi về phương pháp xử lý lượng lớn tro xỉ phát sinh trong quá trình đốt lò, ông Phạm Đức Định (Phó phòng TN&MT huyện Yên Phong) cho biết, sẽ có một đơn vị thu gom làm phụ gia phối trộn làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp danh tính, cũng như thời gian mà đơn vị này sẽ thu gom lượng tro xỉ phát sinh, ông Định lại từ chối.