Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với các tạp chí điện tử có biểu hiện “báo hóa”, hoạt động sai tôn chỉ mục đích, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Sáng 6/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho biết: trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát cấp phép, tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, nhất là khối tạp chí vì khối này thời gian qua các tạp chí thuộc các hội có những sai phạm, nhiều biểu hiện “báo hoá”, biến tướng hoạt động sai tôn chỉ mục đích.
“Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát nhận được hồ sơ xin cấp phép lại của các cơ quan báo chí thuộc tổ chức hội. Do đó sẽ quan tâm tới các tạp chí thuộc các hội xã hội nghề nghiệp. Trong 90 hội, có 60 hội xã hội nghề nghiệp thì đến nay đã nhận được 72 hồ sơ và sẽ tập trung xử lý lại khâu cấp phép để quy định rõ tôn chỉ, mục đích của khu vực này tránh việc lệch lạc.
Về quản lý báo chí trong thời gian tới, theo ông Lâm, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ hỗ trợ các bộ, ngành địa phương trong việc cùng chung tay quy hoạch báo chí, và đảm bảo cho báo chí hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, ngăn chặn các sai phạm.
“Trong tuần này Bộ sẽ ban hành công văn cho các địa phương, cơ quan hành chính Nhà nước để khuyến cáo việc cân nhắc cung cấp thông tin, hoặc không cung cấp thông tin trong trường hợp gặp các cơ quan báo chí đi tìm hiểu nội dung thông tin mà nội dung sai với tôn chỉ, mục đích cơ quan đó”-ông Lâm nói, đồng thời thông tin để hỗ trợ việc này thì tất cả tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí trong cả nước với hơn 800 cơ quan báo chí sẽ được cập nhật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để cả xã hội đều giám sát việc này.
Ông Lâm cũng cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với các tạp chí điện tử có biểu hiện “báo hóa”, hoạt động sai tôn chỉ mục đích, nhũng nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, lợi dụng tự do báo chí để hoạt động trái pháp luật. Sẽ tăng mạnh quyền lực quản lý báo chí cho địa phương thông qua việc Bộ đã trình Chính phủ, và khả năng sẽ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 159 về xử phạt báo chí trong lĩnh vực xuất bản. Trong đó mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với báo chí Trung ương cho các địa phương. Có nghĩa Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương tới đây có quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với các cơ quan báo chí của Trung ương, hoặc báo chí của thành phố khác nếu cơ quan báo chí đó đưa thông tin sai sự thật về vấn đề của địa phương mình.
“Có thể mở rộng những hành vi xử phạt vi phạm về tôn chỉ mục đích. Không phải đến khi bài báo được đăng mà ngay hành vi Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập ký giấy giới thiệu cho phóng viên đi tìm hiểu vấn đề sai với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó. Trong công tác cấp đổi thẻ nhà báo, song song với ứng dụng công nghệ sẽ mạnh dạn đẩy mạnh trao quyền cho địa phương thông qua cơ chế phối hợp. Nghĩa là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham vấn ý kiến các địa phương đối với hồ sơ cấp mới đổi thẻ ở địa phương, kể cả phóng viên không phải của địa phương nhưng đang hoạt động thường trú ở địa phương” - ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng thông tin: Bộ Thông tin và Truyền thôn sẽ phối hợp với BHXH, cơ quan thuế để kiểm tra số thẻ BHXH, mã số thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo không có chuyện cơ quan báo chí hoạt động kiểu “3 không”: không sổ BHXH, không lương, không hợp đồng lao động để bảo vệ những người làm báo chân chính. Và loại bỏ tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, không cấp đổi thẻ nhà báo đối với người hoạt động không đầy đủ tư cách.