Ngành khoáng sản của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng về mặt quy mô trong hơn 2 thập kỷ qua. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn Appatite, 193 ngàn tấn Mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn vào năm 2013.
Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện nguy cơ cạn kiệt tài nguyên trong tương lai gần. Theo giới chuyên gia, minh bạch trong công nghiệp khai khoáng (EITI) được coi là giải pháp thúc đẩy cải cách lĩnh vực khoáng sản, giúp quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên không tái tạo của quốc gia.
Khai thác khoáng sản cần có kế hoạch chặt chẽ, vì đó là nguồn tài nguyên không tái tạo.
Khoáng sản không phải là vô tận
Theo ông Nguyễn Thành Sơn- Công ty New Technology Solution, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, thực tế thì khoáng sản của đất nước cũng không nhiều. Trên thế giới có 200 loại khoáng sản thì ở Việt Nam có khoảng 60 loại, nhưng mới thăm dò được 30 loại. Tiêu chuẩn tính trữ lượng ở Việt Nam rất thấp.
Đơn cử, tiêu chuẩn tính trữ lượng Titan thấp hơn 10 lần so với thế giới. Nếu tính theo tiêu chuẩn thế giới, trữ lượng Titan của Việt Nam chỉ là 34 tiệu tấn thay vì 600 triệu tấn như báo cáo. Vì thế, việc quản lý khai thác tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên là hết sức quan trọng.
Thực tế cho thấy, công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam còn lạc hậu. Ví dụ, khai thác vàng ở Thái Nguyên sử dụng công nghệ cũ, nhập từ bên ngoài, tổn thất tới 70%. Điều đó cũng tương tự như đối với khai thác đồng.
Ông Sơn cũng cho rằng, chức năng quản lý vẫn chồng chéo giữa các bộ ngành, Trung ương và địa phương. Khai thác tài nguyên khoáng sản cần đặc biệt chú trọng với vấn đề công khai minh bạch và cần phải có tầm nhìn và tư duy khoa học, quản lý theo cơ chế thị trường, phát triển khoa học công nghệ và hoàn thiện công cụ pháp luật.
Bất cập trong cấp phép khai thác
Còn theo GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn bất cập trong cấp phép khai thác khoáng sản. Chúng ta có quy định về đấu giá nhưng không có định giá. Có vốn hóa thì mới quyết định đấu giá như thế nào. Nhìn chung, quy trình đấu giá như Luật Khoáng sản 2010 còn sơ khai, cách tiếp cận nhích hơn một chút nhưng chưa có gì đáng kể. Chúng ta đã phân cấp nhưng chưa có những kiểm soát tốt sau phân cấp.
Theo quy định hiện nay, Trung ương quản lý các mỏ có trữ lượng lớn. Địa phương cấp những mỏ quy mô nhỏ. Tuy nhiên, việc cấp phép ở cấp tỉnh khá dễ dãi. Trong khi đó, sau khi phân cấp lại chỉ có công cụ kiểm tra, thanh tra, giám sát dưới góc độ nhà nước chứ không phải người dân. Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để chính quyền cấp xã, người dân và tổ chức xã hội giám sát. Ngoài ra, có nhiều quan niệm rất không đúng và không có hiệu quả quản lý, dẫn đến hệ quả là không có người chịu trách nhiệm.
Tại sao lại cho phép khoanh một phần khoáng sản không phải đấu giá? Ông Võ đặt vấn đề và cho rằng có nhiều câu chuyện đằng sau cấp phép. Cơ chế quản lý như hiện tại không kiểm soát được tham nhũng trong lĩnh vực này. Có thể nói, rủi ro tham nhũng trong khai thác khoáng sản là rất lớn. Và rủi ro này bắt nguồn từ chính kẽ hở chính sách pháp luật.
Trên thực tế, cấp phép của địa phương vượt giới hạn mà pháp luật cho phép. Thực tế này đặt ra nhu cầu cải cách rất lớn để giảm bớt rủi ro về mặt lợi ích. Cấp phép tràn lan dẫn đến những hậu quả môi trường nghiêm trọng.
Chính vì thế, ông Võ ủng hộ việc Việt Nam tham gia EITI- minh bạch trong công nghiệp khai khoáng.
Doanh nghiệp và gánh nặng thuế, phí
Nhìn ở góc độ khác, với ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, áp lực thuế đè nặng DN khai khoáng. Theo ông Tuấn, gánh nặng thuế, phí tăng quá nhanh trong khi giá quặng giảm mạnh và sâu thực sự là áp lực đối với các DN ngành khai khoáng.
Ông Tuấn cho biết, chia sẻ của một DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong 6-7 năm, chi phí từ thuế, phí tăng đến 267%.
“Đối với những DN kinh doanh đàng hoàng, mong muốn có thể áp dụng công nghệ tiên tiến để khai thác lại bị ảnh hưởng mạnh bởi thuế, phí… trong khi những DN khai thác lậu, không chính thức lại không bị ảnh hưởng gì. Đó là sự bất công giữa các DN hiện nay”- ông Tuấn cho biết đồng thời dẫn chứng, khảo sát trong 10 năm qua của VCCI cho thấy các DN khai khoáng chịu chi phí không chính thức cao (lên đến 73%), bị nhiều đoàn thanh kiểm tra đến “thăm”.
Vấn đề không minh bạch cũng đặt áp lực không chỉ cho DN mà cho chính cơ quan quản lý nhà nước như Sở TN&MT, tạo điều kiện cho tham nhũng, lợi thế “quen biết” hơn lợi thế công nghệ, vốn. Do đó gia nhập EITI là một xu thế mà chính cộng đồng DN cũng mong muốn và mang lại tích cực cho cả ngành khai khoáng cũng như doanh nghiệp. Thêm nữa, minh bạch hóa giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước thay vì tăng thuế như trường hợp của Nigeria.
“VCCI đã rà soát về khuôn khổ pháp luật của VN khi tham gia EITI cho thấy không phát sinh gánh nặng lớn đối với cơ quan lập pháp, hành pháp. Còn đối với DN, đặc biệt là DN lớn là hợp lý. DN cũng rất ủng hộ việc gia nhập EITI của Việt Nam”- theo ông Tuấn.