Lấp khoảng trống dự báo nguồn nhân lực

Thu Hương 26/07/2023 07:34

Chỉ còn vài ngày nữa các thí sinh sẽ kết thúc việc đăng ký nguyện vọng vào các ngành nghề mong muốn. Đứng trước quyết định quan trọng này, các em cần phải thận trong quá trình thu thập và phân tích xử lý thông tin sao cho đúng đắn nhất, chọn cho mình được ngành học phù hợp nhất.

3.000 vị trí việc làm được tuyển dụng trực tiếp trong khuôn khổ Lễ tốt nghiệp năm 2023 của Trường Đại học Mở Hà Nội.

Theo các chuyên gia, để thí sinh lựa chọn được đúng ngành học, đảm bảo năng lực, sở trường cũng như phát triển công việc sau này đòi hỏi công tác dự báo nguồn nhân lực phải tốt.

Ngành quá dư thừa, ngành thiếu trầm trọng nhân lực

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 70 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội. Nếu trung bình mỗi trường có 200 sinh viên tốt nghiệp/năm (có trường cao hơn hoặc thấp hơn), con số thực tế của 70 trường này nhân lên 10 năm thì số lượng sinh viên tốt nghiệp sẽ đi đâu về đâu?

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan - nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Xã hội học, Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo đề án 32 của Chính phủ đến năm 2020-2025 cần 30.000 nhân viên công tác xã hội. Nếu nhìn vào số liệu ở trên, rõ ràng việc đào tạo sẽ quá thừa.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nhân lực ngành công tác xã hội đang thiếu và cần bổ sung. Đây cũng là một trong những ngành xu hướng thời gian này có cơ hội việc làm rộng mở ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Dẫu vậy, vẫn cần có những thống kê, dự báo chi tiết hơn đối với nhân lực ở ngành nghề này để thí sinh có cơ sở tham khảo, lựa chọn. Từ phía các trường cũng tránh việc đào tạo tràn lan, lãng phí nguồn lực.

Thực tế cho thấy những ngành học thời thượng, ngành hot hôm nay sẽ có số lượng sinh viên đăng ký cao, các trường ồ ạt mở đào tạo ngành đó. Vấn đề là sau 5 năm nữa, cơ hội làm việc đúng ngành nghề còn nhiều không? Vì vậy, lời khuyên với các thí sinh đó là cần tham khảo các kênh dự báo nguồn nhân lực trong 5-7 năm tới để quyết định mình dự thi vào ngành nghề nào là thích hợp nhất với khả năng, điều kiện hiện tại.

Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết đã có hàng loạt bài phản ánh về nguy thiếu hụt nguồn nhân lực ở nhiều ngành nghề trong tương lai gần do thí sinh không mặn mà đăng ký xét tuyển. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nêu thực tế, không chỉ riêng Bách khoa mà nhiều trường ĐH như Xây dựng, Mỏ địa chất, Thủy lợi… cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt một loạt chuyên gia trong tương lai gần, nhất là những chuyên gia hàng đầu. Một trong những nguyên nhân là do sự quảng bá đối với những ngành ít được quan tâm chưa nhiều, phụ huynh và thí sinh chưa thấu hiểu về sự cần thiết của ngành nghề đó cho sự phát triển của xã hội nên còn băn khoăn lựa chọn.

Thông tin về những ngành dường như không hấp dẫn với thí sinh vì các em đăng ký xét tuyển vào không nhiều, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực chất đây lại là những ngành có nhu cầu rất cao. Ví dụ, một số nhóm ngành tuyển sinh thấp những năm qua như nông lâm thủy sản hay khoa học cơ bản đang thiếu hụt nhân lực tương đối trầm trọng. Lúc nào cũng có những doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng khi sinh viên tốt nghiệp nhưng người học không nhiều.

Cấp thiết dự báo nguồn nhân lực

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, các ngành nghề hiện đang được đào tạo tại hệ thống giáo dục ĐH đều phải được nghiên cứu nhu cầu của xã hội trước khi đưa ra đào tạo. Ngành nào cũng cần nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Tuy nhiên, do tâm lý, định hướng ban đầu hoặc hiểu biết của các em về ngành nghề đào tạo còn chưa đủ nên dẫn đến việc có những ngành cung không đủ cầu và ngược lại, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp hay làm trái ngành đang diễn ra.

Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy 81,1% lao động có trình độ cao đẳng, 60,4% số lao động có trình độ trung cấp, 23,8% số lao động có trình độ ĐH trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo (theo bằng cấp/chứng chỉ). Mặt khác, có khoảng 35,1% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng cao hơn so với bằng cấp của họ.

Thực trạng kết nối cung - cầu lao động chưa đáp ứng yêu cầu xã hội cũng như việc thiếu/thừa nhân lực ở các ngành nghề đặt ra vấn đề cấp bách về công tác lập kế hoạch, dự báo thường xuyên và cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của xã hội, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp, các địa phương nhằm điều tiết quy mô, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo cho phù hợp.

Bà Thủy cho rằng, vai trò của các bộ, ngành, các địa phương với chức năng quản lý nhà nước cần phải dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của ngành, của địa phương mình, từ đó căn cứ trên chiến lược phát triển định hướng xã hội sẽ định hướng công tác đào tạo cũng như định hướng nguồn nhân lực. Đối với các trường ĐH, cần nắm bắt nhu cầu, đưa ra các ngành đào tạo tiên phong đón đầu đồng thời cũng thu thập thông tin trên thị trường lao động, từ các nhà sử dụng lao động, các bên liên quan để cập nhật xây dựng chương trình đào tạo cũng như đưa ra các ngành nghề phù hợp nhất đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường.

“Cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các địa phương trong đó dự báo nhu cầu chính là nguồn tin cậy để có thể đặt hàng nguồn nhân lực phù hợp nhất cho ngành nghề của mình” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhấn mạnh.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền cho biết, nhà trường đang thực hiện những giải pháp để thu hút thí sinh đối với những ngành nghề, lĩnh vực chưa được thí sinh quan tâm nhiều song hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào mức độ hưởng ứng của thí sinh. Ông Điền cũng kiến nghị, các doanh nghiệp cần quảng bá lợi ích đối với từng cá nhân trong lĩnh vực còn thiếu nguồn nhân lực. Đây cũng là trách nhiệm của các hiệp hội, các doanh nghiệp khi song hành cùng với nhà trường sẽ có nguồn lao động chuyên môn cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, đang phối hợp với một số bộ, ngành để xây dựng một hệ thống thông tin theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và dự báo nhu cầu của các ngành đào tạo. Đây sẽ là một công cụ hết sức quan trọng để hoạch định và điều chỉnh các chính sách, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành cũng như đối với từng cơ sở giáo dục ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấp khoảng trống dự báo nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO