Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng cho hoạt động tư vấn hiến tặng mô, tạng từ người chết não, chết tim. Chỉ có một số bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng do chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp.
Tổ chức vận động hiến mô tạng cần phù hợp
Ngày 5/3, tại Hội thảo Tăng cường vai trò truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng từ người hiến sau khi chết/chết não và Tập huấn chuyên đề về tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng tại các bệnh viện hiến, ghép mô - tạng, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: “Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2025, cả nước đã có 16 ca chết não hiến tạng; trong khi từ năm 2022 - 2023, cả nước chỉ có 14 ca/năm. Con số này đang tăng nhanh kỷ lục”.
Cũng theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - trước năm 2022, chỉ có 5 bệnh viện ghép thực hiện hiến mô tạng từ người chết não. Hiện, đã có 18 bệnh viện thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng. Thành quả này nhờ hệ thống pháp luật, văn bản dưới luật hỗ trợ; hệ thống y tế các bệnh viện quan tâm và nhiều người tự nguyện hiến.
Hiện nay, nhận thức của người dân về hiến mô tạng đã có nhiều thay đổi tích cực. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào hiến mô - tạng từ người cho chết não, phong trào đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Các bệnh viện hưởng ứng, lập bộ phận tham gia công tác vận động. Việc thay đổi nhận thức đã thể hiện ở người dân và nhân viên y tế, người đi vận động.
TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: Trong lúc người bệnh chết não, gia đình đau thương, chỉ có các bác sĩ mới dễ dàng trao đổi với người nhà bệnh nhân, là người có tiếng nói thuyết phục, có trọng lượng nhất để tư vấn hiến tạng. Nếu là người bên ngoài, khó có thể làm được. Mô hình các tổ vận động của bệnh viện thực tế, hiệu quả. Riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ để tri ân các gia đình người hiến mô tạng, phát thẻ khám chữa bệnh để hỗ trợ gia đình người hiến, động viên được tinh thần gia đình người hiến...
Việc tổ chức vận động hiến mô, tạng cần có cách làm riêng phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Thực tế, có tới 2/3 số người chết não xin về có tiềm năng hiến mô tạng, nhưng không dễ để vận động. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về hiến, lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản và chăm sóc sau ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não. Đặc biệt, Thông tư số 48 quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết mới được ban hành để hướng dẫn, vận động việc hiến mô, tạng sau khi chết/chết não...
Thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng
Ông Trần Văn Thuấn cho rằng, hiện nay, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng cho hoạt động tư vấn hiến tặng mô, tạng từ người chết não, chết tim. Chỉ có một số bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng do chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp. Công tác truyền thông dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa đủ rộng và hiệu quả. Nhiều người dân vẫn e ngại, hiểu biết hạn chế, thậm chí lo ngại về vấn đề tâm linh và đạo đức.
Theo ông Thuấn, ở nhiều nước phát triển, tư vấn hiến tặng mô, tạng tại bệnh viện là một phần quan trọng trong hệ thống y tế. Đội ngũ tư vấn được đào tạo bài bản, hưởng chế độ đãi ngộ hợp lý, giúp gia đình người bệnh hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của hiến tạng và đưa ra quyết định đúng đắn. Đây là mô hình Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng phù hợp.
Bên cạnh công tác truyền thông, còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, các tổ chức xã hội, tôn giáo và đặc biệt là bệnh viện - nơi tiếp cận trực tiếp với người bệnh.
Để có thể lấp đầy những khoảng trống nói trên, ông Trần Văn Thuấn cho hay, trước hết, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, bệnh viện thành lập đội ngũ tư vấn hiến tặng mô, tạng, đảm bảo có chế độ đãi ngộ phù hợp, giúp họ yên tâm công tác.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống hiến tặng mô, tạng phát triển. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về tư vấn hiến tạng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền theo hướng đa dạng hóa hình thức, tận dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, các kênh truyền hình, báo chí để lan tỏa thông điệp về hiến tạng, giúp thay đổi nhận thức cộng đồng một cách bền vững.
Ngoài ra, xây dựng mạng lưới kết nối giữa các bệnh viện có thực hiện ghép tạng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp với các tổ chức tôn giáo, đoàn thể, nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.
Về hoạt động hiến mô tạng tại Nhật Bản, ông Shinozaki Naoshi - Tổng Giám đốc điều hành và Chủ tịch Nikko Academy Inc khẳng định, không ai mong muốn làm tổn thương cơ thể người thân của mình. Vì vậy, cần giáo dục về ý nghĩa của việc hiến tạng để cứu giúp người khác.
“Cần tạo ra chuẩn mực mới của cuộc sống một cách có nhận thức và hiểu biết và mỗi quốc gia có cách hiểu riêng (văn hóa, tôn giáo…) cần được tôn trọng” - ông Shinozaki Naoshi chia sẻ. Theo ông, nguyên tắc chính cho hiến tặng mô tạng là đảm bảo đủ nguồn hiến tặng cho bệnh nhân; cung cấp mô tạng an toàn cho người bệnh; phân phối công bằng đến các bệnh nhân cần điều trị.
Chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng khung pháp lý; tiếp tục giáo dục về hiến tặng và phẫu thuật ghép mô tạng; giáo dục cộng đồng; đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế… Đồng thời, thiết lập hệ thống đăng ký hiến tạng, mọi người đều có thể đăng ký (thông qua quá trình cấp phép căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế...). Từ đó, nhân viên y tế có thể kiểm tra thông tin từ bệnh viện khi có người hiến tặng tiềm năng.