Đằng sau những màn quảng cáo “bùi tai” nhưng thực chất là dẫn dụ khách hàng vào việc sử dụng những dịch vụ với giá “trên trời”, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là khách hàng khi phải bỏ ra số tiền nhiều hơn nhưng kết quả nhận lại thì không thay đổi.
Luẩn quẩn “bơm tiền” vào spa
Càng gần đến cuối năm, các dịch vụ làm đẹp càng ra sức tung ra các chương trình khuyến mại để kích cầu sau dịch. Ngoài các chương trình giảm giá sâu từ 20% đến 45%, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ còn thường xuyên quảng cáo cập nhật các công nghệ mới, sản phẩm mới để chiếm thiện cảm của khách hàng.
Theo các chuyên gia y tế, việc kích cầu những dịp cuối năm cho hoạt động dịch vụ thẩm mỹ đã phổ biến từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, người dùng phải hết sức cân nhắc trước khi lựa chọn các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ bởi phần nhiều trong số đó có các cơ sở không đảm bảo chất lượng và không được cấp phép hành nghề.
Việc thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ nói chung nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dễ dẫn đến các rủi ro, đặc biệt liên quan đến sức khỏe và an toàn tính mạng. Do vậy, không nên vì nhẹ dạ, tin tưởng vào những lời quảng cáo mà biến mình thành “miếng mồi” cho các cơ sở này.
Chị Đinh Thị Phương Hoa (23 tuổi, quận Hà Đông) gặp vấn đề về da mụn từ nhiều năm nay. Dù đã thực hiện điều trị tại nhà, sử dụng nhiều sản phẩm chăm sóc da nhưng không hiệu quả nên chị quyết định đến một Viện thẩm mỹ trên đường Lê Văn Lương.
Theo chị Hoa, qua khoảng 1 năm điều trị tại đây, sử dụng qua nhiều liệu trình được giới thiệu và tư vấn là công nghệ mới thế nhưng hiệu quả chỉ đến từ những lần chăm sóc da đầu tiên. Càng về sau, dù liên tục sử dụng các gói liệu trình mới, sản phẩm mới nhưng tình trạng da không có gì thay đổi.
“Những lần đầu tiên sử dụng liệu trình thì thực sự hiệu quả, da tôi có sự thay đổi nhanh chóng. Thế nhưng cứ được 2 tháng, nhân viên tại đây lại giới thiệu các phương pháp điều trị mới, công nghệ mới và tư vấn nhiệt tình là phù hợp với tình trạng da của tôi.
Tuy nhiên, càng sử dụng thì lại càng không thấy hiệu quả. Đến nay dù đã đi được 4 liệu trình nhưng da thì vẫn vậy, trong khi càng những liệu trình sau, số tiền phải trả càng nhiều lên”.
Cứ như vậy, vì tin tưởng vào những lời quảng cáo của cơ sở này, hàng chục triệu đồng chị Hoa đã bỏ ra nhưng không mang lại hiệu quả gì. Một vòng luẩn quẩn: nâng cấp liệu trình - bơm tiền cứ thế tiếp diễn. Nhận thấy mình bị “sập bẫy”, chị mới dừng điều trị tại đây và đến bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị.
Chị Nguyễn Mai A. (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi đi phun xăm thẩm mỹ chân mày tại một thẩm mỹ viện tại đường Cầu Giấy. Do đã tìm hiểu từ trước về các phương pháp thẩm mỹ, chị quyết định phun chân mày 8D cho tự nhiên và mềm mại.
Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện xong, chị đem so sánh với những người thực hiện phương pháp phun xăm 3D tại đây mới ngớ người phát hiện, chân mày của mình không có nhiều điểm khác biệt từ đường nét, màu sắc cho đến cả phương pháp làm, trong khi giá tiền chị bỏ ra đắt gần gấp đôi.
Tham khảo thêm trên các hội nhóm làm đẹp, chị càng bất ngờ khi phát hiện đó chỉ là cách thức “thổi giá” của những thẩm mỹ viện.
Tiền mất tật mang
Thời gian qua, không ít những trường hợp tiền mất tật mang vì làm đẹp, thẩm mỹ tại các cơ sở không đảm bảo chất lượng. Trong đó không ít trường hợp gặp biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong do thực hiện các biện pháp xâm lấn, phẫu thuật.
Mới đây, Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (24 tuổi) và Lê Văn Đức (25 tuổi) về tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật".
Theo đó, vào ngày 25/9, bà V.T.H. (47 tuổi, ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) được Thẩm mỹ viện Quốc tế V.B.A. ở đường Nguyễn Khang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho xe ô tô đón miễn phí từ nhà đến cơ sở để được tư vấn về gói sản phẩm chăm sóc, làm đẹp da.
Sau quá trình tư vấn, bà H. không sử dụng bất cứ gói sản phẩm nào và đòi về. Lúc này, 2 nhân viên công ty là Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Lê Văn Đức đã yêu cầu trả tiền xe đến đón với giải thích nếu tham gia gói dịch vụ mới được miễn phí. Khách hàng không đồng ý liền bị Quỳnh và Đức giữ lại thẩm mỹ viện, không cho về.
Cách đây vài ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đã cấp cứu thành công cho 2 bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau khi tiêm thuốc tan mỡ tại các cơ sở thẩm mỹ, có bệnh nhân phẫu thuật 6 lần mới lành được vết thương.
Bệnh nhân thứ nhất là chị N.A. (29 tuổi, Quận 12, TP HCM). Bệnh nhân này đã được điều trị 6 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy do biến chứng sau khi tiêm tan mỡ tại cơ sở thẩm mỹ. Theo lời kể của chị A., do tin vào những lời quảng cáo, chị đã đăng ký thực hiện các gói giảm giá về tan mỡ.
Sau khi cho cơ sở này tiêm các chất tan mỡ vào người mình nhưng không rõ liều lượng, 10 ngày sau chị A. có biểu hiện sưng tấy và biến chứng.
Thẩm mỹ viện này cũng đã sắp xếp cho chị A. đi đến 4 nơi khác nhau để giải quyết biến chứng, với 5 lần mổ nhưng không lành. Sau đó người nhà tìm mọi cách đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tổng chi phí điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 160 triệu đồng.
Bệnh nhân thứ hai là chị P.D. (38 tuổi, Quận 4, TP HCM) nhập viện và sau hơn 1 tháng điều trị bệnh nhân mới được xuất viện với chẩn đoán bệnh hoại tử vùng bụng và 2 đùi sau khi thực hiện tan mỡ tại một cơ sở trên địa bàn TP HCM.
Trước đó không lâu, một nữ bệnh nhân (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cũng đã tử vong sau 3 ngày hút mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ.
Hàng ngàn cơ sở thẩm mỹ, spa… "hút máu" người dùng không chỉ bằng các chiêu trò thổi giá mà còn ngang nhiên kinh doanh không phép, không đảm bảo chất lượng. Câu hỏi đặt ra là có hay không sự buông lỏng của các cơ quan quản lý với dịch vụ này? Có chăng chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe?