Gọi là lẩu nhưng giống món canh hơn. Các loại lá được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại. Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng.
Đến với Tây Nguyên bạt ngàn rừng cây, ngoài thắng cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, con người thân thiện, vẻ đẹp Tây Nguyên còn được cảm nhận qua từng chiếc lá.
Đó không chỉ là hương vị mà thiên nhiên dành tặng cho con người nơi đây mà còn là hương vị của quê hương, xứ sở thông qua các món đặc sản được chế biến từ những chiếc lá, ví dụ như “lẩu “ lá rừng.
Món “lẩu” lá rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê khi phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Để có thức ăn hàng ngày, họ đã vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, “lẩu” lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa và rất có sức hút với du khách.
Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Lá được cuốn cùng với mắm thịt và nem thính, vị cay cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm của mắm thịt, vị khô của nem thính mang lại nhiều cảm giác lạ.
Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn xanh ngát đã thấm vào từng chiếc lá để con người có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về một hương vị rất Tây Nguyên. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì lá được dùng như một đặc sản đó là “lẩu” lá rừng.
Món lẩu này chính là kinh nghiệm được đúc kết từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa, mỗi loại lá đều chứa đựng những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ. Lá phải được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là phải không có độc, không phản ứng lẫn nhau.
Các loại lá để nấu lẩu có thể kể đến như lá lộc vừng ăn chát nhưng điều vị tốt, lá đinh lăng có tác dụng hoạt huyết, dai sức, sâm đất thì mát, giải nhiệt rất tốt, lá kim căng thì giúp ăn ngon ngủ tốt, ngoài ra còn rất nhiều lá khác như hồng ngọc, diếp cá, rau sướng, mã đề, quế, húng, thuyền đất… cũng có nhiều tác dụng như giải độc, cân bằng cơ thể.
Gọi là lẩu nhưng giống món canh hơn. Các loại lá được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại. Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng.
Muốn có lẩu ngon thì phải biết chọn hái lá, trong rừng có nhiều cây cối nên chỉ có những người sành về lá rừng mới đi hái được, những người không quen thì không ai dám đi cả bởi có loại ăn được, có loại không, nhỡ không may hái trúng phải lá độc thì rất nguy hiểm.
Về nước lẩu, người dân Tây Nguyên nấu từ xương và tôm khô, ngoài các loại lá còn có mắm thịt, tôm suối và thịt lợn ba chỉ. Ăn mỗi loại lá lại có những hương vị khác nhau, chua, cay, đắng, chát, hăng, bùi đều đủ cả.