Nhà thờ Nguyễn Hữu, làng Gia Miêu (xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2002. Tại di tích có tấm bia mộ của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh (thời Lê) là tổ tiên của Triệu tổ Nguyễn Kim, chúa Nguyễn Hoàng, tổ tiên của các vị vua triều Nguyễn. Tuy nhiên, nhiều người dân làng Gia Miêu và con cháu trực hệ của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn lại đang có đơn đề nghị đưa tấm bia này về Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vì nó không liên quan gì đến nhà thờ Nguyễn Hữu được xếp hạng di tích này .
Tấm bia mộ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh (1438-1477) được tìm thấy ở núi Thiên Tôn (huyện Hà Trung, Thanh hóa) năm 1989. Bài viết “Những tấm bia hộp của họ Nguyễn - Gia Miêu ngoại trang ở Thanh Hóa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành trong sách Thông báo Hán Nôm học năm 1997 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết rõ điều đó. Bài viết cũng cho biết, ban đầu người dân dùng bia làm bàn giặt, sau UBND xã Hà Long nghi trong bia có dấu vàng nên thu về cất giữ ở kho của xã. Sau đó, tấm bia được UBND xã Hà Long cho nhà thờ Nguyễn Hữu mượn.
Trong sách Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: Họ Nguyễn ở trấn Thuận Hóa, tổ tiên là Nguyễn Công Duẩn người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, theo Lê Thái Tổ định thiên hạ, có công. Con là Nguyễn Đức Trung, đời Lê Nhân Tông làm Điện tiền chỉ huy sứ, có công cùng Trinh Quốc công, kinh lược Yên Bang, đánh dẹp Chiêm Thành có nhiều công lao, con gái làm tiệp dư, sinh ra thái tử…
Tại di tích Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu làng Gia Miêu, ông Nguyễn Hữu Thoại (trên 80 tuổi, dòng họ Nguyễn Hữu - người trông coi di tích), trả lời phỏng vấn của phóng viên cũng vừa nói vừa chỉ tay vào tấm bia đặt sát tường bên trái trong nhà thờ: “Tấm bia này người dân thấy ở núi Thiên Tôn, đem về xã Hà Long. Tiến sĩ Đinh Công Vĩ khuyên chúng tôi nên đem về nhà thờ”.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên qua điện thoại, Tiến sĩ Đinh Công Vĩ cho biết khoảng năm 1997, ông và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành có vào Hà Trung nghiên cứu, dịch nhiều tài liệu hán nôm nhưng không nhớ chuyện có khuyên những người trong nhà thờ Nguyễn Hữu đem bia từ UBND xã Hà Long về nhà.
Phóng viên đến nhà thờ Nguyễn Hữu ở làng Mậu Thịnh, xã Ba Đình, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa - nơi một số con cháu dòng họ Nguyễn Hữu có đơn gửi UBND xã Hà Long và cơ quan báo chí tố cáo ông Nguyễn Hữu Thoại giữ bia mộ của tổ tiên họ, biến làm di vật để xây dựng hồ sơ di tích. Gặp phóng viên, các ông Nguyễn Hữu Lực - Trưởng ban liên lạc đại chi 1, ông Nguyễn Hữu Căn - đại diện chi đệ nhất, chi thờ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh, ông Nguyễn Hữu Ân - đại diện chi đệ tam, ông Nguyễn Hữu Hưng - đại diện chi đệ tứ, mở cho xem bản gia phả chữ Hán và nhiều sắc phong các triều vua từ thời Lê Cảnh Hưng tới các triều vua Nguyễn. Nội dung gia phả và sắc phong đều cho thấy nhà thờ Nguyễn Hữu là nơi thờ Thái uý Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung và Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh (cụ Vĩnh là con trưởng cụ Trung).
Ông Nguyễn Hữu Lực cho biết: “Ngày 17/1/2022, chúng tôi đã làm đơn đề nghị Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hà Trung, Sở VHTTDL đưa tấm bia từ nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở làng Gia Miêu do ông Nguyễn Hữu Thoại đang quản lý trả lại nơi phát hiện ra là khu mộ ở núi Thiên Tôn, huyện Hà Trung. Ngày 22/2/2022, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 2313/UBND-TD gửi UBND huyện Hà Trung xem xét giải quyết đơn đề nghị”.
Ngày 17/3/2022, nhiều người trong dòng họ Nguyễn Hữu ở xã Ba Đình huyện Nga Sơn đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Thoại ở nhà thờ Nguyễn Hữu làng Gia Miêu, xã Hà Long huyện Hà Trung gửi UBND xã Hà Long. Nội dung đơn đề nghị ông Chủ tịch xã Hà Long giải quyết đơn đưa tấm bia mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh về Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Không chỉ những người trong dòng họ Nguyễn Hữu ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn tố cáo, mà ngay cả những người trong dòng họ Nguyễn Hữu công tính chính chi ở Gia Miêu, xã Hà Long cũng đã từng có đơn. Phóng viên đã đến nhà thờ Nguyễn Hữu công tính chính chi ở Gia Miêu gặp ông Nguyễn Hữu Chước - người trông coi nhà thờ, ông Chước cho biết: Từ năm 2019, tôi cũng đã có đơn đề nghị tỉnh Thanh Hóa, Sở VHTTDL giải quyết đưa tấm bia ở nhà thờ Nguyễn Hữu do ông Nguyễn Hữu Thoại quản lý về khu mộ ở núi Thiên Tôn. Ngày 2/12/2019, Giám đốc Sở VHTTDL Phạm Duy Phương có văn bản số 4247/SVHTTDL trả lời khi nào xác định được mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh ở đâu sẽ báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ VHTTDL xem xét giải quyết.
Ông Nguyễn Hữu Lực và ông Nguyễn Hữu Chước đều cho rằng: Tấm bia mộ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh có nguồn gốc ở núi Thiên Tôn. Nếu không xác định được mộ cụ thì cũng không thể đưa cho nhà ông Nguyễn Hữu Thoại giữ được. Nếu Nhà nước có cho trả bia mộ của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh về cho con cháu thì phải trả về cho con cháu cụ ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn vì nhà thờ Nguyễn Hữu do ông Thoại quản lý không có tài liệu nào chứng minh được mối quan hệ huyết thống liên quan giữa cụ Nguyễn Hữu Vĩnh và cha ông nhà ông Thoại.
Chúng tôi đến UBND xã Hà Long, gặp ông Hoàng Việt Dân – Phó Chủ tịch UBND xã, ông Dân cho biết: “Thẩm quyền giải quyết thuộc Chủ tịch xã nhưng Chủ tịch hiện không có ở ủy ban. Vụ việc này hết sức phức tạp, có lẽ phải nhờ tới cơ quan chuyên môn giải quyết”.
Đến UBND huyện Hà Trung, phóng viên được đề nghị để lại những câu hỏi để lãnh đạo huyện sẽ trả lời. Nhưng hai tuần trôi qua chưa thấy hồi âm.
Tại Hội thảo khoa học về sự kiện nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến di tích quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 16/12/2021, GS.TS Đinh Khắc Thuân đã phát biểu: “…Dòng họ Nguyễn Gia Miêu là dòng họ lớn, xứng đáng được vinh phong và việc được Bộ VHTTDL cấp bằng tôn vinh dòng họ Nguyễn Hữu Gia Miêu là thích đáng. Tuy nhiên, cơ sở để làm hồ sơ xếp hạng tồn tại một số vấn đề gây tranh luận”. GS.TS Đinh Khắc Thuân nêu rõ: “Hồ sơ giới thiệu cả bia mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh mới đưa từ lăng mộ cụ về từ đường, được xây trong tường và dùng làm tư liệu phục vụ hồ sơ xếp hạng di tích là sai. Điều đó làm mâu thuẫn thêm cho dòng họ và vi phạm luật di sản. Đề nghị chuyển bia này về Bảo tàng, vì đó là di vật quốc gia, không ai được chiếm dụng”.
Nên chăng, Bộ VHTTDL cần xem xét, đưa tấm bia mộ này ra khỏi tài liệu để làm căn cứ xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích? Để chính quyền tỉnh Thanh Hóa đưa về Bảo tàng tỉnh?