Cách làm gạo xuất khẩu hiện nay là 1 hoặc 2 doanh nghiệp lớn đi gom gạo trong dân, trộn lẫn vào nhau rồi cứ thế xuất đi. Vì lẽ này nên gạo của Việt Nam khi xuất khẩu thường bị liệt vào danh mục gạo phẩm cấp thấp. Vì thế dẫu chúng ta đã có kinh nghiệm xuất khẩu 20 năm, vẫn không gây dựng được tên tuổi cho hạt gạo Việt. Và nếu ta vẫn giữ phương thức xuất khẩu như vậy thì sẽ ngày càng bị bỏ lại phía sau.
Từ một nước nằm trong tốp đầu xuất khẩu gạo của thế giới, Việt Nam đang ngày càng trở nên tụt hậu so với các nước có thế mạnh về lĩnh vực này. Liên tiếp những năm gần đây, gạo của Việt Nam xuất khẩu giảm cả giá trị lẫn sản lượng. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Ngành lúa gạo có bề dày xuất khẩu nhưng vẫn còn điểm yếu.
Tụt hậu
Việt Nam trước đây vốn là 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới (gồm Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ) với lượng xuất khẩu hàng năm từ 6 - 8 triệu tấn, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước khoảng gần 4 tỷ USD.
Nhưng thế mạnh này càng ngày càng giảm dần đi khi năm 2016, xuất khẩu chỉ đạt 5,65 triệu tấn.
Năm 2017, lượng gạo xuất khẩu có nhiều khởi sắc khi đạt 6 triệu tấn, vượt hơn 1 triệu tấn so với năm 2016, song nhìn bình diện chung, ngành lúa gạo vẫn đang gặp phải nhiều bất cập.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, cách làm gạo xuất khẩu của chúng ta hiện nay chẳng giống ai.
Đó là 1 hoặc 2 doanh nghiệp (DN) lớn đi gom gạo trong dân trộn lẫn vào nhau rồi cứ thế xuất đi.
Vì lẽ này nên gạo của ta khi xuất khẩu thường được liệt vào danh mục gạo phẩm cấp thấp.
Thật khó chấp nhận khi chúng ta đã có kinh nghiệm xuất khẩu 20 năm, vẫn không gây dựng được tên tuổi cho hạt gạo.
Và nếu chúng ta vẫn giữ phương thức xuất khẩu như vậy, thì không những Campuchia – một đất nước đi sau chúng ta rất lâu về xuất khẩu gạo, mà cả những quốc gia khác nữa sẽ bỏ ta lại đằng sau.
TS Lê Văn Bảnh, Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đã không ít lần trăn trở về điều này.
Ông vẫn luôn tâm niệm, mặc dù là một nước có bề dày về xuất khẩu gạo, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam vẫn không hề đổi mới phương thức sản xuất, cách tổ chức để có sản phẩm chủ lực xuất khẩu.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, ngành lúa gạo sẽ vẫn mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí là tụt hậu, để những nước đi sau vượt mình.
Thực tế, đi tìm nguyên nhân của những bất cập đối với ngành lúa gạo hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, điểm mấu chốt còn nằm ở vai trò của vị trí thủ lĩnh ngành lúa gạo mà ở đây chính là Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Được thành lập với kỳ vọng sẽ dẫn dắt được các thành viên để cùng góp phần chung tay xây dựng ngành lúa gạo phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu, thế nhưng, thực tế, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chưa làm tròn được vai trò, trách nhiệm của mình.
Độc quyền không tạo ra bứt phá
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đã chỉ rõ: “ VFA chỉ là Hiệp hội của DN xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của DN lớn, thay vì bảo vệ đông đảo DN tư nhân”.
Sự độc quyền, chỉ đứng về phía các DN lớn của VFA được hể hiện ở chỗ, VFA đã và đang dựng lên rào cản khiến các DN khó có thể tham gia Hiệp hội.
“Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay là điều kiện “phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ” – VEPR nêu rõ.
Chính điều kiện này đang tạo nên một bức tường thành khiến những DN nhỏ khó có thể bước qua để tham gia vào Hiệp hội.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR thẳng thắn cho biết: Dù có tên đầy đủ là Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhưng Hiệp hội này không những không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không đại diện cho quảng đại cộng đồng DN đang hoạt động trong ngành gạo.
Cũng theo ông Thành, VFA đang không làm tròn vai trò vảo vệ hội viên, bị chỉ trích rất mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi Nghị định 109, được cho là làm cản trở sự phát triển của hội viên.
TheoVEPR, không phủ nhận vai trò của VFA trong quá khứ khi đã dẫn dắt được các thành viên xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tất cả đã thay đổi, VFA không còn là sân chơi riêng của các DN nhà nước.
Sự lớn mạnh của khối DN tư nhân và sự thay đổi căn bản về thị trường đòi hỏi VFA cần có sự thay đổi sâu rộng về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ.
Với những nhận định này, VEPR đưa ra khuyến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xoá bỏ đặc quyền của VFA đang được trao theo Nghị định 109.
“Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội”- VEPR nhấn mạnh.