"Bình dân học vụ số" không chỉ đơn thuần là xóa mù chữ về công nghệ, mà sâu xa hơn, đó là phổ cập những kỹ năng số cơ bản, thiết yếu nhất để mọi người dân có thể tự tin tham gia vào không gian số.
Ngày 22/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố công bố về kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các bên sẽ đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó: Năm 2025, thành phố phấn đấu đạt 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu, sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.
Cao hơn nữa, 90% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID.
Ngoài ra, 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Phấn đấu trong năm 2026, 100% học sinh từ cấp tiểu học sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số. Các mục tiêu cho năm 2026, bao gồm 100% người dân trưởng thành sẽ có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số….
Phát biểu tại đây, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đánh giá, chuyển đổi số đang được ứng dụng rộng rãi và đa lĩnh vực trong cuộc sống xã hội. Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo ông Thắng, "Bình dân học vụ số" không chỉ đơn thuần là xóa mù chữ về công nghệ, mà sâu xa hơn, đó là phổ cập những kỹ năng số cơ bản, thiết yếu nhất để mọi người dân có thể tự tin tham gia vào không gian số, tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tự bảo vệ mình trước những rủi ro trên mạng, thậm chí là ứng dụng công nghệ để cải thiện sinh kế, phát triển kinh doanh. Đây là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, là nền tảng để xây dựng công dân số, xã hội số và chính quyền số.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức, đó là khoảng cách số giữa các khu vực, các nhóm dân cư còn hiện hữu; năng lực số của một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh còn hạn chế; vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng ngày càng phức tạp; nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số vẫn cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.
Để chuyển đổi số thực sự thành công và mang lại lợi ích cho toàn xã hội, ông Thắng cho rằng, yếu tố con người đóng vai trò then chốt. “Chúng ta không thể chuyển đổi số thành công nếu người dân – chủ thể của quá trình này – lại đứng ngoài cuộc hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các thành quả công nghệ”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc, một đơn vị phát triển nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị ông đang áp dụng nhiều hình thức khoa học – công nghệ vào sản xuất, kết quả giúp năng suất tăng lên khoảng 50% so với cách làm truyền thống. Mô hình rau sạch của hợp tác xã đã được chia sẻ cho các trường học, khu dân cư, đơn vị quân đội, trong đó tiêu biểu là tặng giàn thuỷ canh cho chiến sĩ Trường Sa và Đồn Biên phòng Lộc Thành, góp phần lan toả mô hình nông nghiệp đô thị xanh – sạch – thông minh.
Ông Tuấn đề nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho nông nghiệp công nghệ cao tại đô thị; đồng thời cần tiếp tục hỗ trợ tín dụng ưu đãi, chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã tiên phong. Và đặc biệt là khuyến khích, kết nối doanh nghiệp, trường – viện, nông dân cùng đồng hành xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.