Thời điểm này nhiều đền, chùa đã được phép mở cửa trở lại, nhưng tại nhiều nơi vẫn tổ chức lễ cầu an online. Hình thức này nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân, vì vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Tiết kiệm thời gian và an toàn phòng dịch
Sắp đến Rằm tháng Giêng - ngày lễ lớn quan trọng bậc nhất trong đời sống tâm linh của người Việt. Tại Hà Nội, dù hầu hết các đền chùa đều đã mở cửa trở lại, nhưng nhiều cơ sở thờ tự vẫn tiếp tục tổ chức lễ cầu an bằng hình thức online để đảm bảo phòng, chống dịch.
Tại chùa Phúc Khánh, tấm biển lớn đăng thông bạch của nhà chùa về việc tổ chức đại lễ cầu an năm Nhâm Dần 2022 được treo ngay mặt đường Tây Sơn. Theo đó, đại lễ được tổ chức vào 19h ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Dần (tức 14/2) theo hình thức trực tuyến qua 3 trang Facebook. Nhà chùa cũng nhận đăng ký cầu an qua hình thức trực tiếp tại chùa và qua email, tin nhắn Zalo, Facebook.
Tương tự, chùa Thần Quang (phố Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) cũng đang bận rộn chuẩn bị cho các khóa lễ cầu an tại chùa, bố trí nhiều thông báo khuyến cáo Phật tử, nhân dân lễ chùa đảm bảo 5K.
Đại đức Thích Đạo Tâm - trụ trì chùa Thần Quang cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nhiều nghi lễ đã giảm quy mô tổ chức hơn rất nhiều, trong đó có lễ cầu an đầu năm. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân cũng như thực hiện hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Thần Quang tổ chức lễ cầu an qua hình thức online và phát trực tiếp qua mạng xã hội để phật tử ở mọi nơi có thể theo dõi.
Những ngày này, bà Nguyễn Thị Bình (65 tuổi, Cầu Giấy) cũng đang rục rịch chuẩn bị các lễ vật cần thiết để chuẩn bị cho lễ cầu an sắp tới. Là một phật tử, bà thường xuyên đi lễ chùa và tham gia trực tiếp các khoá lễ cầu an đầu năm. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, khi hình thức làm lễ online được tổ chức, bà đã chọn ở nhà theo dõi thay vì đến chùa. “Một phần vì đã có tuổi, sức khoẻ yếu, muốn đi đâu cũng phải có con cháu đưa đi nên hơi bất tiện. Phần vì dịch bệnh vẫn còn, tôi không muốn đến những nơi đông người để bảo vệ bản thân. Hình thức cầu an online vừa tiết kiệm được thời gian mà lại an toàn” - bà Bình cho hay.
Tương tự, chị Trần Thanh Tâm (36 tuổi, Đống Đa) bày tỏ sự đồng tình: Cầu an online vừa giúp nhiều người có cơ hội theo dõi, hướng tâm và làm lễ tại nhà vừa hạn chế được tập trung đông người. Đây là hình thức cần được nhân rộng và thực hiện trong thời gian sắp tới...
Không mất đi các giá trị văn hóa
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia văn hoá, TS Nguyễn Ánh Hồng cho biết, Rằm tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo, văn hoá tâm linh sôi động. Tâm lý và truyền thống lâu nay của người Việt là “lễ Tết quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Thông thường người ta sẽ trực tiếp đến các đền, chùa để lễ bái, cầu an… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà chùa cũng chủ trương thực hiện nhiều nghi thức cầu an, lễ chùa online. Vừa phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho cá nhân và cộng đồng.
“Về ý nghĩa và bản chất, việc thực hành các nghi thức online không hề làm mất đi các giá trị văn hoá. Bởi “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, tâm linh là vấn đề tự thân. Do vậy, sự thành tâm của mỗi người sẽ quyết định chứ không nằm ở việc đến chùa trực tiếp hay online” - chuyên gia nhận định.
Cũng theo đánh giá của chuyên gia văn hoá, hình thức cầu an, lễ chùa online sẽ trở thành xu hướng tất yếu khách quan trong thời gian sắp tới bởi những ưu điểm của hình thức này. “Thứ nhất, hình thức này tiết kiệm được thời gian và đi lại, hạn chế tình trạng “cắt xén” thời gian để đi chùa, đi lễ đầu năm của những cơ quan công sở. Thứ hai là tiết kiệm được kinh phí tổ chức, tránh tình trạng lãng phí. Thứ ba là phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, thoả mãn được nhu cầu tâm linh, vẫn có được sự cộng hưởng từ nhiều người”, TS Hồng cho hay.
Trước đó, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, tăng ni các chùa - cơ sở tự viện về việc tổ chức nghi lễ cầu an Tết Nhâm Dần 2022 đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động mừng Xuân mới an vui.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện nghiêm việc tăng cường nâng cao ý thức tự giác trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không lơ là, chủ quan.
Các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần phải đảm bảo không tập trung đông người, nghi lễ trang nghiêm, thời gian phù hợp, ngắn gọn, tiết kiệm.
Đặc biệt, cần tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, các buổi lễ cầu an Online kết nối rộng rãi với đồng bào Phật tử trong nước và Việt kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến tinh thần lạc quan, sự bình an, giảm các tác động stress tâm lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài vừa qua.