Chiều 27/1, UBND TP Nam Định tổ chức họp báo, công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội Khai Ấn Đền Trần xuân Bính Thân 2016. Năm nay, thời điểm tổ chức các nghi lễ chính của lễ hội luôn thu hút sự quan tâm của dư luận này trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên được dự báo lượng người tham gia sẽ đông hơn nhiều so với mọi năm…
Lễ hội Khai Ấn đền Trần được TP. Nam Định tổ chức hàng năm vào dịp đầu Xuân, thu hút rất đông người tham gia.
Nhiều nghi lễ văn hóa, tâm linh tưởng nhớ, tri ân công đức nhà Trần
Tại buổi họp báo, cùng với việc tái khẳng định các ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh của Lễ hội khai Ấn đền Trần, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết các nội dung của lễ hội năm nay không có khác biệt so với những năm gần đây, vẫn đảm bảo đúng theo đề án phục dựng các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Đền Trần đã được Bộ VH-TT&DL phê duyệt…
Cụ thể, năm nay, chính hội sẽ được tổ chức trong 6 ngày, từ 18/2-23/2 (11-16 tháng Giêng). Trong đó, vào ngày 18/2 (11 tháng Giêng) sẽ có nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ-nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông -từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần (nằm gần chùa), với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái tổ tiên và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ. Ngoài ra, nghi lễ này còn mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.
Sang ngày 19/2 (12 tháng Giêng) sẽ có nghi lễ rước Nước và tế Cá. Đây là một trong các nghi lễ được Ban tổ chức phục dựng trong mấy năm gần đây, mang ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ tổ tiên nhà Trần vốn xuất thân từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.
Theo nhân dân địa phương, vì các bậc thủy tổ nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới nên nhiều người trong dòng tộc nhà Trần thời đó thường có biệt danh gắn liền với một loại cá.
Ví như: Trần Kinh là cá Triều đẩu - cá quả, Trần Lý là cá Long ngư - cá chép, Trần Cảnh là cá lành canh…Nghi lễ được bắt đầu bằng ghi thức dâng sớ, thỉnh chân nhang tại Đền Cố Trạch.
Theo đó, chủ tế (do dân làng bầu chọn) vào lễ xin một nén hương ở bát hương tổ và 14 nén hương ở các bát hương Hoàng đế, cắm vào bát nhang công đồng trên kiệu bát cống. Kiệu sau đó được rước ra Giếng cổ để tiến hành nghi thức lấy nước. Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh Giếng cổ. Trước lễ hội, ao thả cá đã được phát quang, tẩy uế. Sau đó, cá và nước được rước về Đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng và tế. Nghi lễ được kết thúc bằng việc phóng sinh cá tế tại khúc sông Hồng gần đó...
Điểm nhấn chính của lễ hội Khai Ấn đền Trần, như thường lệ, vẫn là Nghi lễ khai Ấn được tổ chức vào đêm ngày 14 tháng Giêng (21/2) tại sân đền Thiên Trường. Theo đó, ngay sau nghi lễ Dâng hương do chính quyền thành phố tổ chức sẽ đến nghi lễ rước kiệu Ấn do Mặt trận Tổ quốc, Hội người cao tuổi phường Lộc Vượng tổ chức. Đến 23h15 nghi lễ khai Ấn được thực hiện bởi 14 bậc cao niên ở địa phương.
Vẫn quan ngại ý thức người tham gia lễ hội
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, năm nay lễ hội được tổ chức trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên chính quyền địa phương dự báo lượng người tham gia sẽ đông hơn nhiều so với mọi năm, trong khi không gian của lễ hội rất chật, việc bảo vệ an ninh trật tự sẽ rất vất vả. “Phương án cụ thể sẽ do Công an tỉnh xây dựng, triển khai, trên tinh thần sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân tham gia lễ hội”, bà Oanh cho hay.
Có 2 điểm đáng chú ý là, như mọi năm, trong thời gian thực hiện nghi lễ khai Ấn, Ban tổ chức sẽ đóng cửa đền Thiên Trường để đảm bảo an ninh trật tự, từ 23h55 trở đi mới được mở trở lại để đón người dân vào hành lễ. Việc phát lộc Ấn bắt đầu được thực hiện từ 5h30 sáng hôm sau,thay bằng từ 6h như năm trước…
Từ thực tế của lễ hội năm ngoái, tại buổi họp báo các phóng viên tiếp tục phản ánh những lộn xộn, bất chấp các quy định tại lễ hội chưa được Ban tổ chức chấn chỉnh dù đã nhiều lần cam kết. Một trong những bức xúc của nhiều người khi đến lễ hội này là giá trông giữ phương tiện bị thu một cách tùy tiện.
Ngay tại bãi trông giữ xe nằm sát cổng chính Đền Trần, bộ phận trông coi luôn thực hiện thu 10.000 đồng/xe máy vào ban ngày, trong khi như chính bà Oanh cho biết tại buổi họp báo, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Nam Định, mức thu này chỉ là 4000 đồng…
Đặc biệt, hình ảnh phản cảm nhất của lễ hội Khai Ấn năm ngoái, cũng như nhiều năm trước là ngay sau nghi lễ khai ấn kết thúc, sân đền Thiên Trường lập tức trở nên hỗn loạn. Theo đó, rất đông người, trong đó có cả người lớn, mũ cao áo dài "xông vào” đền Thiên Trường "cướp” lộc trên các ban thờ. Trước đó, khi kiệu Ấn được rước vào sân đền Thiên Trường để chuẩn bị cho nghi lễ khai Ấn, nhiều người “hối lộ thánh thần” bằng việc vo tròn tiền "ném rào rào” lên kiệu Ấn. Đángnói là mọi việc diễn ra trước sự bất lực của Ban tổ chức…
Thừa nhận những tồn tại trên, liên quan đến việc “chặt chém” ở lễ hội, bà Phạm Thị Oanh thanh minh: “Năm nào Ban tổ chức cũng phân công lực lượng kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động dịch vụ tại đây nhưng các bộ phận này chưa làm hết trách nhiệm”. Việc những hành vi phản cảm vẫn tái diễn trong đêm khai Ấn, đại diện chính quyền thành phố kêu gọi: “Mọi người hãy phát huy tinh thần tự giác, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội”. Như mọi năm, kết thúc họp báo, Trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội Nguyễn Xuân Hoạt “đặt hàng” các phóng viên : "Nếu phát hiện ra các hành vi vi phạm, phóng viên và người dân cứ phản ánh, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm!”.
Tại cuộc họp báo năm nay, vấn đề thu chi của lễ hội Khai Ấn Đền Trần không được các phóng viên đề cập. Tuy nhiên, như đại diện chính quyền thành phố cho biết tổng các nguồn thu chính thức của lễ hội này khoảng trên dưới 14 tỷ đồng. Số thu này được điều tiết theo cơ chế: phường Lộc Vượng (nơi có đền Trần) được sử dụng 60%, ngân sách thành phố được thu 40%