Ngày 15/2, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (huyện Kiến Thuỵ) và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, cùng TP Hải Phòng) đã diễn ra Lễ hội Khai bút đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Đây là hoạt động được UBND huyện Kiến Thuỵ và UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức hàng năm với mong muốn về một năm mới hạnh phúc và thành công.
Tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, các hoạt động chính của lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 15/2 đến ngày 17/2 và kéo dài đến hết ngày 24/2. Ngoài những nghi lễ chính như lễ cáo yết, lễ khai mạc, lễ giã đám, phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, các gian hàng triển lãm… tạo không khí vui tươi, lành mạnh đầu xuân.
Tại lễ khai mạc, sau màn rước bút long trọng từ Văn Miếu Xuân La về Khu tưởng niệm Vương triều Mạc là nghi thức an vị bút, đọc chúc văn khai bút, đánh trống khai hội.
Sau nghi thức khai hội, lãnh đạo TP Hải Phòng, lãnh đạo huyện Kiến Thuỵ và các em học sinh tiêu biểu, xuất sắc từ các trường học trên địa bàn thực hiện nghi thức khai bút với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, mở đầu Lễ Khai bút, các nghệ nhân viết chữ "Học" bằng thư pháp chữ quốc ngữ và chữ Nho. Sau đó, lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo cùng hàng trăm giáo viên, học sinh tiêu biểu của 3 cấp học đã khai bút đầu xuân.
Lễ hội Khai bút đầu xuân là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mọi người dân Việt Nam. Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Không chỉ vậy, những nét chữ đầu xuân ấy thể hiện một ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý.
Việc tổ chức các Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Hải Phòng còn mang ý nghĩa tri ân Đức Mạc Thái tổ và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...