Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường

G.B. 31/10/2021 09:00

Pôồn Pôông là lễ hội có từ rất xa xưa. Trong tiếng Mường, “Pôồn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pôồn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa.

Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam - nữ.

Ở Thanh Hóa, vùng nào có người Mường ở là có Lễ hội Pôồn Pôông. Lễ hội diễn ra có thể từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm.

Có nhiều sự tích như truyền thuyết cây hoa trong Pôồn Pôông được gắn liền với truyện bi tình sử của nàng Ờm với chàng Bồng Hương. Hai người yêu nhau tha thiết, nhưng bố mẹ nàng Ờm cậy giàu sang phú quý chia cắt tình duyên hai người…

Lễ hội Pôồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò. Các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại toàn bộ các phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hoá tinh thần của đồng bào Mường. Lễ hội gồm 42 trò đặc sắc, như: Trò chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, làm cơm mời Mường... Các nhân vật tham gia lễ hội múa những điệu múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, vui chơi hàng ngày.

Người Mường đã gọi các nhân vật chính trong lễ hội Pôồn Pôông là các Ậu Máy - người chủ lễ, người tổ chức, chủ trì cuộc Pôồn Pôông. Đặc biệt, Ậu Máy trong Pôồn Pôông vẫn tồn tại với tư cách là “bảo tàng sống”, là di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường.

Cây bông - vật trung tâm trong lễ hội là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hoá đã ban cho con người. Trên cây bông bằng tre cao 3 mét treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa bằng gỗ bấc nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng và các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất, những thành quả sáng tạo của con người... tượng trưng cho ấm no thịnh vượng. Bên cạnh cây bông là bàn để rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp tết lễ như canh uôi, canh đắng.

Bên cạnh nét đẹp tâm linh, lễ hội cũng là dịp để bà con bản Mường cùng nhau quây quần ngồi lại bên nhau để ôn về lịch sử hào hùng của bản Mường. Cùng tâm sự, sẻ chia buồn vui đã qua, mách cho nhau mẹo làm ăn khấm khá hơn...

Đã có thời gian, cùng với sự phát triển của các loại hình văn hóa, văn nghệ hiện đại, Lễ hội Pôồn Pôông dần bị lãng quên, thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến năm 1987, 1990, khi tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì Lễ hội Pôồn Pôông như được hồi sinh trở lại.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận trò diễn Pôồn Pôông xã cao Ngọc (Ngọc Lặc) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Để Lễ hội Pôồn Pôông sống mãi, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường, những năm qua Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng đã truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pôồn Pôông cho nhiều thế hệ người Mường. Trong đó có cán bộ văn hóa huyện, xã, thị trấn và người dân yêu thích Pôồn Pôông tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường