Lễ Tết trên non cao

Minh Tân - Hữu Tiệp 17/04/2017 17:06

Mỗi tộc người đều có những lễ Tết quan trọng trong năm. Với người Tu Dí thì đó là Tết “Sừ Giề Pà” vào đầu tháng 4 âm lịch… Nếu có dịp tham dự vào những lễ Tết của bà con sống trên non cao, chúng ta sẽ thấy được sự đa dạng, phong phú của những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tết “Sừ Giề Pà” của người Tu Dí

Vào ngày mùng 8/4 âm lịch hằng năm, người Tu Dí ở Mường Khương (Lào Cai) lại tổ chức lễ Tết “Sừ Giề Pà”. Đây là Tết to nhất trong năm của người Tu Dí với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể phong phú.

Theo bà con Tu Dí, Tết “Sừ Giề Pà” là lễ cúng dòng nước đầu nguồn cho thôn bản, cầu cho nguồn nước chảy đều, chảy mãi phục vụ cho cuộc sống của nhân dân. Đồng thời cũng là dịp để người dân thể hiện tình cảm biết ơn của con người đối với con Trâu - con vật nuôi có nhiều công lao đối với gia đình.

Sắc xuân biên cương.

Mâm lễ vật dâng cúng trong ngày Tết gồm có: Gà luộc nguyên con, trên mình gà cắm 2 chiếc đũa hình chữ (X); 3 bát xôi 7 màu “Nủ mi phẳng”, trên mỗi bát xôi đặt một quả trứng gà “Chí Tẳng” nhuộm đỏ đã luộc chín; 3 chén rượu, 3 đôi đũa, 3 thẻ hương, một xấp tiền vàng.

Đặc biệt phải có một con trâu làm bằng xôi 7 màu, tất cả sắp lên một chiếc mâm. Chủ gia đình bưng mâm lễ đến cúng ở đầu nguồn nước “Sui Thầu”.

Trước khi mang lễ vật lên cúng ở đầu nguồn nước, gia chủ phải tạ lễ với con trâu trong nhà bằng cách nắm những nắm xôi cuộn vào cỏ để cho trâu ăn trước. Gia đình có bao nhiêu con trâu thì cuộn bấy nhiêu nắm xôi vào cỏ cho trâu ăn để tỏ lòng biết ơn con vật quý của gia đình.

Vào dịp “Sừ Giề Pà”, tất cả các loại gia súc đều được nghỉ ngơi, ăn no và tắm sạch sẽ. Đặc biệt, con trâu được trẻ em dùng nước sạch để cọ rửa và chải lông.

Trước Tết vài ngày, mỗi gia đình trong thôn, bản cử một đại diện là nam giới có sức khỏe tốt, có uy tín, được bà con yêu mến thành lập một đội và cùng mang cuốc, xẻng, dao phát lên đầu nguồn sửa sang lại nguồn nước, ống dẫn nước, phát quang đường dẫn nước về tới làng.

Trong ngày Tết “Sừ Giề Pà”, sau khi đã ăn bữa sáng xong, tất cả thanh niên trong cộng đồng cùng tập trung tại một địa điểm bằng phẳng, rộng rãi, thuận tiện để vui chơi.

Các trò chơi dân gian của dân tộc như đánh đu “Ta Shíu”, đánh còn “Ta Páu Zchìu” và đánh quay “Ta Tù Lú”... thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em và thanh niên nam nữ, những người già cũng ngồi quây quần theo dõi và cổ vũ.

Với những giá trị độc đáo của lễ Tết “Sừ Giề Pà”, năm 2014 Bộ VHTT&DL đã công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tết của người Dao đỏ Yên Bái

Người Dao Đỏ sinh sống ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thường được tổ chức lễ cúng Tết từ ngày 15 đến hết ngày 30 tháng Chạp, khi mùa màng đã thu hoạch xong.

Nếu người Kinh có bánh chưng dâng cúng tổ tiên, thì trong lễ cúng Tết của bà con nơi đây không thể thiếu một loại bánh, đó là bánh gù và bánh dày. Công việc làm bánh dâng lên ông bà tổ tiên do phụ nữ đảm nhiệm, còn việc mổ lợn, gà, bày biện mâm lễ cúng Tết do người đàn ông đảm nhiệm.

Bên cạnh 4 bánh gù và 6 bánh dày, mâm cúng Tết của bà con còn có con gà luộc, hoa quả, hai cây mía để cả lá. Trước khi đặt lễ vật cúng thì gia chủ phải dọn sạch bàn thờ, thay tro bát hương, gói xì chiên và 5 chén nước. Đặc biệt, trong lễ cúng không thể thiếu bộ gan lợn. Mỗi gia đình thường mổ 1 con lợn để lấy phần gan đem cúng.

Người Dao đỏ cho rằng bộ gan lợn thể hiện tấm lòng của gia chủ đối với ông bà tổ tiên. Phần còn lại được gia đình đem chế biến thành nhiều món ăn…

Sau khi lễ cúng kết thúc, thầy cúng đốt giấy gió (tiền giấy) cảm ơn và mời tổ tiên ở lại cùng gia đình ăn Tết đón năm mới. Phần lễ cúng được gia chủ mang xuống dọn ra mâm cho con cháu cùng ăn.

Tết của người Phù Lá ở Bắc Hà

Người Phù Lá ở Bắc Hà sống thành từng làng, mỗi làng có vài chục nóc nhà, chủ yếu ở các xã Lùng Phình và thôn Chỉu Cái thuộc xã Na Hối.

Tết chính của bà con Phù Lá ở Bắc Hà kéo dài 3 ngày, từ mồng 1 đến mồng 3 tháng Giêng âm lịch, nhưng các hoạt động vui xuân thường kéo dài từ mồng 1 đến hết ngày 15 tháng Giêng, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới.

Cũng giống như bà con nhiều dân tộc sống trên núi cao, bà con Phù Lá chuẩn bị Tết từ rất sớm. Ngay từ tháng Chạp, nhiều gia đình đã tích trữ củi, rau lợn, sấy khô cá, nấu rượu và tìm lá dong để gói bánh chưng. Không chỉ phụ nữ mới khéo tay, đàn ông Phù Lá cũng rất giỏi nghề làm yên ngựa.

Vào dịp Tết, họ làm rất nhiều yên ngựa mang đến chợ bán để lấy tiền mua sắm thức ăn, quần áo, quà Tết cho bố mẹ và các con.

Mâm lễ cúng năm mới của người Phù Lá không thể thiếu thủ lợn và rau dài. Trong đêm giao thừa và ngày mồng 1 tết, người Phù Lá rất kiêng kị trong việc tiếp xúc với các đồ vật sắc, nhọn như: kim, dao, rựa vì cho rằng những thứ đó không đem lại may mắn cho gia đình.

Dịp Tết, người Phù Lá cũng tổ chức nhiều trò chơi: kéo co, đu quay, chơi cù, đánh má lẹ, bắn nỏ…

Tết “Khùi Sì Mờ” của người Xa Phó

Giống như các dân tộc khác, đồng bào Xa Phó sinh sống ở Lào Cai đón Xuân, ăn Tết vào tháng Giêng âm lịch, tiếng Xa Phó là Tết “Khùi Sì Mờ”. Cùng với việc chuẩn bị thịt lợn, rượu, hoa quả… và các thứ cần thiết khác, người Xa Phó có tục gói bánh chưng (bánh gói dài) để thờ cúng tổ tên.

Vào trước Tết, phụ nữ Xa Phó miệt mài làm quần áo mới cho các thành viên trong nhà để mặc trong dịp Tết mới. Còn ông chủ nhà và các con trai vào rừng bẫy chuột để dâng cúng tổ tiên, thần đất sáng ngày mùng 1 Tết.

Thiếu nữ Xa Phó.

Ngay từ tờ mờ sáng mùng 1 Tết, các đôi vợ chồng trong bản đem theo 2 ống đựng nước tới khe nước đầu nguồn làm lễ lấy nước mới “Ì sì mạ khai bá”. Khi đi lấy nước phụ nữ phải đội khăn, đem theo hương và vài sợi chỉ để buộc vào chỗ đầu máng chảy với ý nghĩa cầu thần nước lúc nào cũng cho nhiều nước chảy.

Bà con còn quan niệm đôi vợ chồng nào đến lấy nước sớm nhất, năm đó may mắn nhất, nhiều lộc nhất. Nước đem về được rót bát đầu tiên dâng cúng tổ tiên, còn lại mang đổ vào ấm đun nước uống cho cả gia đình, với ý nghĩa cầu mong mọi người sức khoẻ.

Sau nghi lễ lấy nước, gia đình chuẩn bị lễ vật làm mâm cúng, cầu tổ tiên phù hộ một năm mới sức khoẻ, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Buổi chiều, cả bản vui chơi đầu Xuân năm mới, với các trò chơi như đánh cầu lông gà, chơi quay, đi cà kheo. Các chàng trai, cô gái đều diện bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để ăn Tết, vui Xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ Tết trên non cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO