Lên Mường Tè

NGUYỄN TRỌNG VĂN 13/03/2022 14:04

Cách đây ít lâu, chúng tôi lên Lai Châu công tác. Điểm đến đầu tiên là Đồn Biên phòng Mù Cả (tên Đồn được gắn với tên xã Mù Cả). Vừa gặp, các anh trong Ban chỉ huy Đồn Biên phòng thông báo: “Đêm nay các nhà báo ngủ ở đồn. Sáng sớm mai xuống bản”. Dường như để “củng cố” thêm ý nghĩa “xuống bản”, Đội trưởng Pờ Hồng Tơ, một người Mù Cả chính gốc, cười cười: “Xuống bản chỉ sợ các nhà báo lại không muốn về Hà Nội thôi”.

Bản Thu Lũm với những ngôi nhà tường đá xếp.

Hậu phương vững chắc

Chuyện xuống bản như hôm nay hoàn toàn không phải là “sắp đặt” mà nó là chuyện thường nhật. Hàng tháng Đồn Biên phòng đều cử cán bộ xuống từng thôn bản vừa để nắm tình hình, vừa để trao đổi công tác phối hợp tuần tra đường biên.

Cuộc “xuống bản” diễn ra ngay tại nhà của Trưởng bản Xi Nế Lý Tiến Dũng, thành phần gọn gàng nhưng đầy đủ. Ấn tượng đầu tiên là hai cô gái Hà Nhì trong trang phục truyền thống. Phải nói là trong bộ trang phục ấy tôi như thấy cả một rừng hoa đỏ thắm.

Đội trưởng Pờ Hồng Tơ tranh thủ lúc mọi người còn chào hỏi nhau bèn giới thiệu: “Người Hà Nhì ở huyện Mường Tè chiếm gần 20% dân số nhưng các xã giáp biên thì tỷ lệ lên tới 80% thậm chí 98% như xã Mù Cả. Chính vì thế nên chị em người Hà Nhì là “hậu phương” cho những người lính biên phòng chúng tôi”. Rồi anh cho biết thêm: “Xã Mù Cả là nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”.

Được biết phụ nữ người Hà Nhì ở các xã giáp biên không chỉ là vợ lính biên phòng mà nhiều chị em còn tích cực tham gia dân quân. Đấy là vợ của Trung tá Lý Già Ly - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Một trong hai cô gái mà chúng tôi gặp hôm nay có tên là Lý Lò Xó. Cô là vợ của một chàng Trung úy ở Đồn biên phòng Pa Ủ.

Một buổi xuống bản của chiến sĩ biên phòng.

Đội trưởng Pờ Hồng Tơ nói tiếp: “Các cô luôn động viên chồng công tác tốt. Có nhớ vợ thì được cấp trên cho phép mới về thăm nhà. Chính vì thế nên ngay như ở đồn chúng tôi có tới 40% cán bộ chiến sĩ là người địa phương nhưng anh em đều yên tâm phấn khởi”.

Nhiều năm nay, bộ đội biên phòng đã kiên trì vận động, đầu tiên là vận động phụ nữ vì đó chính là những người có tác động tích cực đối với chồng con. Bộ đội vận động và làm mẫu cho chị em việc chăn nuôi gia súc gia cầm nên nuôi nhốt chứ không thả rông. Gia súc nuôi nhốt sẽ mau lớn, tăng cân và quan trọng là thôn bản được vệ sinh, sạch sẽ. Tiếp đó là vận động phụ nữ tham gia bảo vệ rừng. Hiện xã Mù Cả diện tích rừng được giao tới từng hộ gia đình và đạt xấp xỉ 80% độ che phủ.

Trưởng bản Lý Tiến Dũng khẳng định: “Nhờ chị em cả đấy. Chị em đã nghe ra nên làm tốt lắm”. Còn Lý Cà Sứ ở bản Xi Nế thì cho biết: “Bộ đội biên phòng nói và làm cái gì cũng hay, cái gì cũng trúng nên bọn em học theo thôi”.

Phụ nữ Hà Nhì chịu khó học hỏi cách chăn nuôi gia súc.

Bắt đá phải nhường chỗ cho lúa, ngô

Đường lên xã biên giới Thu Lũm khá quanh co. Con đường rải đá cấp phối lên cao, lên cao mãi. Xe chúng tôi cứ ngược dốc mà leo. Qua cửa xe thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang anh ánh sắc vàng. Đang là mùa đổ nước nên mặt ruộng được ánh mặt trời chiếu xuống nhìn tựa như những mặt gương lấp lánh.

Cũng như xã Mù Cả, xã Thu Lũm gần như là một xã của người Hà Nhì (chiếm 82%). Nằm ở độ cao trên 1.500 mét, độ dốc từ 20-30% nên ở Thu Lũm rất hiếm đất canh tác. Những thửa ruộng bậc thang ít ỏi không đủ để gieo cấy. Việc nhận rừng và chăm sóc bảo vệ rừng đã tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây nên bà con cũng yên tâm.

Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm Chu Xé Lù cho hay: “Mấy năm gần đây xã chúng tôi phát triển trồng cây sả lấy tinh dầu xuất khẩu qua biên giới nên cũng cải thiện nhiều. Năm trước thu nhập từ sả đạt 20% trong tổng số thu nhập của xã”.

Tôi hỏi lại: “Trồng sả ở trên rừng ư?”. Bí thư Chu Xé Lù cười: “Không đâu. Các nhà báo trên đường đi lên đây không thấy à?”.

Nghe Bí thư xã nói vậy tôi mới nhớ ra. Dọc con đường ngược lên xã chốc chốc lại thấy những vạt ngô, vạt sả nằm sát bên đường. Mảnh to thì độ vài trăm nét vuông. Mảnh nhỏ thì chừng mấy chục mét. Cứ chỗ nào có vẻ hơi rộng rộng, hơi bằng phẳng một chút là có những vạt ngô, vạt sả.

Lại nhớ lúc dừng xe “hóng gió” ở lưng dốc, cũng là vừa hay chúng tôi gặp một tốp phụ nữ đi nương về. Họ dừng lại trò chuyện với một chị đang chăm sóc cho vạt ngô. Những cây ngô vừa lên xanh tuy còn nhỏ thấp nhưng nhìn đã thấy hứa hẹn. Tôi hỏi một chị: “Các chị đi nương về à? Nương mình trồng gì đấy?”. Các chị cười khúc khích, lấy tay che mặt thẹn thùng. Tôi lại hỏi: “Mình có nhiều đất để trồng ngô, trồng lúa không?”. Bấy giờ mấy chị mới nói: “Đất không có nhiều đâu. Phải cạy đá gạt tìm đất thôi”.

Giờ tôi mới để ý thấy vì sao dọc đường đi và nhất là quanh những vạt ngô là những bờ tường đá xếp chặt chẽ. Thì ra ở đây hiếm đất nên phụ nữ phải ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác cặm cụi dùng dao, dùng cuốc cạy đá.

Đất rừng Thu Lũm có đặc điểm là đá gan gà xen lẫn với đất. Chị em đã cạy từng viên đá lên. Viên to thì chuyển về bản xây tường nhà. Viên nhỏ thì xếp lại thành những bờ rào bên đường.

Cái hay của việc xếp bờ rào bên đường là tạo nên bờ hộ lan an toàn cho những chuyến xe lên xuống, thứ nữa là làm thành bờ tường rào che chắn những vạt ngô vạt sả. Thời gian cứ thế trôi qua, bàn tay của phụ nữ người Hà Nhì nơi đây đã bắt đá phải nhường chỗ cho ngô, cho lúa và cho cây sả.

Phụ nữ Hà Nhì thường tự thêu thùa váy áo.

Khéo tay may vá, thêu thùa

Vào thăm nhà Bí thư Chu Xé Lù chúng tôi gặp Sùng Xá Lu. Hôm nay người mẹ của 4 đứa con này không lên nương, chị ở nhà ngồi thêu váy. Bí thư Chu Xé Lù nhìn vợ đang cặm cụi thêu với ánh mắt rất tình cảm, ông nói: “Con gái Hà Nhì thường tự tay mình thêu thùa váy áo cho chính mình và cho con. Con gái Hà Nhì ngay từ bé đã được mẹ dạy thêu thùa nên khi lớn lên chúng biết tự may váy áo cho mình. Về nhà chồng cũng thế. Người con gái Hà Nhì chỉ mặc váy áo do tay mình làm lấy thôi”.

Sùng Xá Lu bấy giờ mới ngẩng đầu lên trò chuyện, chị cho biết: “Để khâu được một chiếc áo, chị em phải xuống chợ huyện mua hạt nhựa, hạt nhôm, chỉ, len các màu. Sau đó tẩn mẩn ngồi thêu thùa mất vài ba tháng. Người thêu chậm hoặc bận nhiều việc, có khi thêu mất cả năm”.

Được biết, trang phục của phụ nữ Hà Nhì ngoài tác dụng giữ ấm, làm đẹp còn hàm chứa giá trị tâm linh sâu sắc, bởi theo tín ngưỡng dân gian của bà con nơi đây thì hồn trú ngụ trên đầu, ngay từ khi thức dậy là phải đội ngay mũ, khăn, đặc biệt khi trước bàn thờ tổ tiên. Có lẽ vì vậy mà chiếc mũ, khăn của họ cũng có sự cầu kỳ.

Với trang phục này không chỉ giúp cho người phụ nữ Hà Nhì nổi bật khi xuất hiện bất kỳ đâu, mà hơn thế nó còn góp phần lưu giữ những nét bản sắc văn hóa đặc trưng, riêng có của người Hà Nhì…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lên Mường Tè