Xuôi ngược hàng trăm cây số cùng sông nước từ miệt đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang xa xôi tới thành phố Hồ Chí Minh phồn hoa, những chiếc ghe này chỉ chở duy nhất một mặt hàng là lá dừa nước. Mặc dù đây là loại lá mọc hoang dã trong đồng đất ngập mặn nhưng hiện nay, nó lại là thứ nguyên liệu dùng để lợp nhà, quán ăn, quán cà phê được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt hơn nữa, theo những người thương hồ này, cứ mấy chuyến đi ghe lá, họ lại đi một ghe cừ (tràm) vì lá dừa nước và loại gỗ này gắn bó
Một chiếc ghe chất đầy lá dừa nước.
Xuôi ngược trên sông
Nằm ngay ở ven tuyến kênh Thanh Niên, một con kênh lớn chảy qua địa bàn huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), một chiếc ghe chất đầy lá dừa nước vừa dừng lại, neo buộc vào hàng tràm bên kênh.
Chủ ghe, ông Đặng Văn Chung, 56 tuổi nhảy lên bờ, nhìn tôi cười: “Bây giờ lá dừa nước đang là mặt hàng “hót” được người dân thành phố ưa chuộng. Từ việc lợp nhà, quán, cho tới che chắn, làm mát không gian hay tạo kiến trúc xanh sạch, người ta đều dùng lá dừa nước cả. Mà lá dừa bây giờ chỉ còn có ở vùng Long An, Đồng Tháp… với số ít ở dưới Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) mà thôi. Thế nên công việc của anh em chúng tôi là đưa lá dừa ở dưới đó lên cho những vựa buôn bán lá trên này. Lá dừa mọc tự nhiên, ngút ngàn ở những cánh đồng hoang, vùng nước ven sông ngòi ngập mặn… nhưng hiện nay lại là món hàng hái ra tiền của nông dân”.
Chia sẻ thêm về nghề đi ghe lá này, anh Thiện, 23 tuổi, bảo không như nhiều ghe thương hồ chở hàng nông sản, trái cây lúa gạo dưới vùng đồng bằng lên thành phố, ghe lá là của những người nông dân nghèo khổ.
“Nếu như ghe trái cây, ghe lúa hầu hết của thương lái thu mua, giá trị hàng lớn, có khi lên đến cả tỷ đồng thì ghe lá của những nông dân đi lấy lá. Như chiếc ghe này của chúng tôi, ngoài chú Chung là chủ ghe thì còn lại 3 người khác đều là dân đi chặt lá dừa nước dưới Mộc Hóa (Long An) cả. Gần đây nhu cầu lá nhiều, mấy anh em chuyển hẳn qua buôn lá. Thế nhưng mỗi tháng cũng chỉ đi được ba hoặc bốn chuyến hàng là cùng, vì thủy triều ngăn cách, các nông dân bán lá nằm sâu trong đồng, ghe chạy rất mỏi. Mỗi lần xếp dỡ hàng, mấy anh em có khi mất nửa ngày vì lá dừa cồng kềnh”, anh Thiện giãi bày.
Cũng theo ông Chung, hầu hết các phương tiện chở lá dưới miền Tây lên Sài Gòn, Bình Dương đều là ghe thuyền dù có thể quãng đường khá ngắn. Thậm chí nhiều khi chạy xe ô-tô tải bằng đường bộ từ dưới Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tràm Chim… lên thành phố còn dễ dàng hơn nhưng những người đi bán lá đều chọn đường thủy.
“Lá dừa phơi khô rất nhẹ, nhưng cồng kềnh, lại dễ cháy nên vận chuyển bằng đường sông nước là an toàn nhất. Hơn nữa mỗi xe tải chỉ chở được vài chục thiên (mỗi thiên là một ngàn chiếc lá) chứ ghe cỡ hai chục mã lực có thể chở vài trăm thiên lá. Vậy nên dù đường sông vòng vèo nhưng lại quen thuộc, chở được nhiều lá hơn. Đặc biệt, vì nghề buôn lá phải đi qua nhiều điểm để gom hàng nên di chuyển trên sông sẽ thuận tiện hơn”, ông Chung cho biết thêm.
Theo ông Chung, tuyến đường thủy quen thuộc của người đi ghe lá, cũng như nhiều người dân thương hồ buôn bán khác hiện nay là từ miền Tây thì men theo sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ rồi về sông Chợ Đệm, sông Sài Gòn…
“Đó là tuyến đường chính bởi nhiều khi lấy hàng hóa sâu trong đồng đất hay bỏ hàng cho những chủ vựa ở tới Đồng Nai, Bình Dương thì quãng đường xa xôi và khó khăn. Thậm chí nhiều khi phải neo ghe dừng cả ngày vì đợi con triều để di chuyển chứ không đơn giản”, ông kể thêm.
Lá được chất lên xe tải chở đi cho khách hàng.
Nhộn nhịp vựa lá
Nằm ven tỉnh lộ 8 đoạn đi qua địa bàn xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi, TP HCM), vựa lá của anh Nguyễn Văn Huân nhiều năm qua luôn tấp nập người mua bán. Mỗi ngày có hàng chục ghe lá men theo dòng kênh nhỏ bên cạnh đưa lá về đây. Do nằm sát tuyến đường tỉnh lộ nên khi lá tập kết lên bờ, chúng dễ dàng được vận chuyển đi nơi khác theo yêu cầu của khách hàng. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Huân bảo, anh kinh doanh vựa lá này đã gần chục năm rồi.
“Hiện nay lá dừa đang rất có giá dù nó không còn là nguyên liệu chính của việc xây dựng như trước nữa. Mùa khô cũng là thời điểm các công trình sử dụng lá dừa nước bước vào giai đoạn cao điểm. Hiện, mỗi thiên lá có giá xấp xỉ 2 triệu đồng, tùy theo loại lớn hay nhỏ. Với thời tiết nắng nóng như bây giờ, có ngày tôi bán được hai, ba chục thiên lá chứ không ít”, anh Huân kể.
Cũng theo người chủ vựa này thì ngoài lá dừa nước, vựa của anh còn nhập nhiều cừ tràm của các ghe dưới miền Tây lên. Do công trình xây dựng bằng lá dừa nước phải có các cọc cừ tràm nên loại cây gỗ này cũng bán rất chạy. Các ghe lá ngoài ra cũng chuyên chở thêm cừ tràm để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng vựa lá của anh Huân, tại khu vực ngoại ô vùng Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… hiện nay có rất nhiều vựa buôn bán lá như vậy.
Với đặc điểm chung là nằm cạnh các sông ngòi, kênh rạch và có cắt với tuyến đường bộ lớn, các vựa lá này thuận tiện cho việc xuất, nhập hàng mỗi ngày. Lá dừa nước thường được khai thác dịp từ cuối năm trước, cho tới khoảng tháng bảy năm sau. Khoảng thời gian còn lại trong năm là mùa mưa, người dân không chặt lá vì để cho chúng phát triển.
Ngoài buôn bán lá, nhiều chủ vựa còn cho biết họ thường kiêm luôn việc thi công, thiết kế, lợp lá dừa nước ở các công trình khi có khách yêu cầu. “Nếu các công trình sử dụng nguyên liệu gạch ngói, xi măng thì nhiều người có thể thi công được chứ lợp lá dừa nước, tuy là quy mô nhỏ nhưng cũng phải có kỹ thuật riêng”, anh Thuận chia sẻ.
Những ngày này, đâu đó trên những kênh rạch ở khắp thành phố, người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc ghe chất đầy lá, hoặc xếp đầy cừ tràm lặng lẽ trên sông thì chắc chắn, đó chính là những ghe lá thương hồ từ miền Tây sông nước tìm lên.