Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, từ ngày 1 đến 11/11, Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 sẽ diễn ra với sự tham dự của hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhân dịp này PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội.
PV: Thưa bà, LHP Quốc tế Hà Nội luôn được xem là sân chơi lớn cho ngành điện ảnh Việt Nam. Nhưng theo quan điểm của những người làm điện ảnh Việt Nam thì việc tổ chức LHP vẫn chỉ dừng lại ở hình thức. Bà nghĩ sao về nhận định này?
Bà Ngô Phương Lan: Với những đánh giá về LHP Quốc tế Hà Nội theo tôi chỉ là quan điểm của riêng từng người. Sau 3 lần tổ chức, tôi dám khẳng định những người làm điện ảnh khi tham gia LHP đều rất tích cực và cho đây là niềm hãnh diện. Nhưng nếu để nói từ một LHP có thể tác động đến sự phát triển của một nền điện ảnh là rất khó. Thế nhưng, chính việc ra đời một sự kiện như LHP Quốc tế Hà Nội hiện nay là điều vô cùng cần thiết cho nền điện ảnh Việt Nam.
Nếu không có các sự kiện như LHP thì nền điện ảnh Việt Nam nói chung sẽ chỉ chạy theo các sản phẩm mang tính thương mại, giải trí đơn thuần. Bản thân những người tổ chức LHP cũng đã xác định cụ thể những tiêu chí khi tổ chức như kích thích sự sáng tạo, lòng yêu nghề… Với cá nhân tôi được tham gia trong BTC LHP lần thứ 2 và 3 thì thấy rằng sao mỗi kỳ LHP nền điện ảnh đang có những phát triển về quy mô, độ chuyên nghiệp, chất lượng…
Đơn cử, nếu làm một phép so sách với lần tổ chức đầu tiên từ năm 2010 và lần tổ chức thứ ba năm 2014, thực tế điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Tất nhiên sự kỳ vọng luôn được đặt cao hơn thế. Ở đây, tôi chỉ đề xuất nếu có thể thì LHP Quốc tế Hà Nội nên tổ chức một năm một lần thì chắc hẳn sự tác động tới điện ảnh trong nước sẽ lớn hơn rất nhiều.
Thưa bà, ở lần thứ 4 tổ chức này BTC sẽ có những đổi mới nào để LHP có sự đột phá?
- Ở lần thứ 4 này LHP sẽ tổ chức chương trình chiếu phim ngoài trời kết hợp với biểu diễn thời trang Việt Nam – Italia tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của công chúng Thủ đô và khách du lịch. Cách làm này đã được nhiều LHP quốc tế tổ chức và đã thu hút hàng nghìn người đến tham gia. Ở hoạt động này, chúng tôi sẽ lựa chọn trình chiếu chủ yếu là các bộ phim kinh điển của Việt Nam và quốc tế. Việc kết hợp giữa chiếu phim tại một không gian kiến trúc cổ sẽ phần nào giúp khán giả chiêm ngưỡng được toàn cảnh nền điện ảnh của thế kỷ trước.
Trước đó, khi BTC đề xuất hoạt động này rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước đã hưởng ướng muốn hợp tác để giới thiệu phim tại sự kiện. Đơn cử cử chùm phim Ý tham gia LHP chắc chắn sẽ được lựa chọn để tham gia công chiếu ngoài trời. Nếu có thể một vài bộ phim nước ngoài sẽ có sự tham gia của các ngôi sao quốc tế đến dự và giao lưu cùng khán giả.
Ngoài ra, ở hoạt động Chợ dự án năm nay cũng sẽ có nhiều thay đổi. Đến với Chợ dự án, các ứng viên sẽ có cơ hội tìm kiếm đầu tư, hợp tác và sáng tạo nghệ thuật. Chợ dự án năm nay sẽ gồm 2 hạng mục gồm chợ dự án quốc tế sẽ có 3 phim được lựa chọn và chợ dự án trong nước với 5 phim. Trong đó, 3 phim xuất sắc nhất được lựa chọn Dự án xuất sắc nhất trong Chợ dự án sẽ được lựa chọn để tham dự những sự kiện điện ảnh quốc tế lớn như LHP quốc tế Hồng Kông, Chợ dự án LHP Cannes, LHP Berlin…
Có một nỗi lo là đến năm 2017 Bộ Tài chính sẽ không cấp ngân sách sản xuất phim nhà nước. Vậy Cục Điện ảnh đã có kế hoạch gì để giải quyết vấn đề này?
- Thực ra, đến thời điểm này nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước thì không còn là hướng đi duy nhất của các nhà làm phim Việt Nam. Nhưng theo quan điểm không biết có chủ quan hay không, nếu trong thời gian tới chúng ta không có những định hướng, khích lệ cụ thể trong hoạt động điện ảnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đó chắc chắn các hãng phim tư nhân sẽ không vào cuộc tham gia sản xuất các phim đặt hàng. Mặc dù thực tế rất rõ ràng khi các hãng phim tư nhân vào cuộc sẽ dẫn đến sự đào thải những tác phẩm không có giá trị. Ngoài ra, còn có những “xô xát”, kiến nghị giữa các đơn vị…
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng thị trường điện ảnh Việt Nam đang rất phát triển. Cùng với đó, với sự đầu tư của các đơn vị điện ảnh nước ngoài và trong nước vào Việt Nam chắc chắn nền điện ảnh Việt Nam đang rất có tương lại. Còn với những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã có những động thái dể tháo gỡ, đặc biệt là về nguồn vốn sản xuất phim đặt hàng của nhà nước. Tôi cũng hy vọng ngành điện ảnh sẽ có nhiều hướng để giải quyết. Trong năm nay, Cục Điện ảnh cũng đã đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTT&DL sẽ có cuộc làm việc lãnh đạo Bộ Tài chính để có hướng đi cho vấn đề này.
Trân trọng cảm ơn bà!