Tàu tuần dương Moskva được hạ thủy vào năm 1979 từ một xưởng đóng tàu ở Ukraine, khi đó là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Hiện tại phía Nga không thừa nhận con tàu này bị trúng tên lửa Ukraine ở Biển Đen.
Soái hạm này được đặt tên danh dự theo tên thủ đô Nga, tàu bắt đầu vận hành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phục vụ trong nhiều cuộc xung đột tại Gruzia, Syria và Ukraine, thực hiện nghiên cứu khoa học trong thời bình cùng với Mỹ.
Đây là tuần dương hạm lớp Slava, được trang bị 16 tên lửa tầm xa, hệ thống phòng không, ngư lôi và pháo hạm. T
rong điều kiện bình thường Moskva có thể chở tới 500 thuỷ thủ, do đó, sự mất mát này được đánh giá có thể làm giảm hoả lực của Nga trên Biển Đen.
Moskva được hạ thuỷ từ tháng 7/1979 tại xưởng đóng tàu Mykolayiv từng thuộc Ukraine, với tên ban đầu là Slava. Tàu dài 186 m, có thể chở 476 thuỷ thủ và 62 sĩ quan, bắt đầu được biên chế từ năm 1982.
Tuần dương hạm này phục vụ như tàu hàng đầu của hạm đội Liên bang Xô viết trên Biển Đen, mang theo tên lửa đất đối không và đất đối đất, súng, ngư lôi và bom cối, thậm chí còn có cả sàn đỗ trực thăng.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tàu này được cho là trang bị cả vũ khí hạt nhân. Năm 1989, dưới thời lãnh đạo Liên Xô - Mikhail Gorbachev, các nhà khoa học Liên bang Xô Viết và Mỹ đã tham gia vào cuộc thử nghiệm chung trên tàu ở Biển Đen để đo mức độ phát sinh tia gamma, neutrons từ đầu đạn hạt nhân trên tên lửa hành trình.
Cuối năm 1989, Slava từng được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga Gorbachev và Tổng thống Mỹ lúc đó là George H.W. Bush nhưng do gió mạnh nên đã chuyển địa điểm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/4 thông báo, tuần dương hạm Moskva, kỳ hạm của hạm đội biển Đen, đã chìm do biển động mạnh.
“Trong quá trình được kéo về cảng, tuần dương hạm Moskva mất cân bằng do hư hại trên thân tàu sau vụ cháy nổ kho đạn. Con tàu đã chìm trong cơn bão biển”, Sputnik dẫn thông báo nêu.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng tàu Moskva đã bị cháy làm một phần kho đạn bị nổ. Vụ cháy xảy ra khi tàu ở vùng biển cách Odessa của Ukraine 90 km.
Thủy thủ tàu được sơ tán thành công và vụ cháy được kiểm soát vào cuối ngày 13/4. Con tàu sau đó được kéo về cảng Sevastopol để sửa chữa nhưng không đến được nơi dự kiến.
Phía Ukraine tuyên bố vụ cháy trên tàu thực chất là do trúng 2 quả tên lửa chống hạm R-360 Neptune của nước này. Nga bác bỏ thông tin này trong khi Lầu Năm Góc chưa xác nhận tuyên bố của Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 14/4 nói rằng Nga đã bị giáng đòn nặng nề sau những điều xảy ra với tàu Moskva.
Ông Sullivan nói rằng bất kể nguyên nhân tai nạn là do cháy tàu hoặc do bị trúng tên lửa, đó cũng không phải là kết cục hay ho dành cho Nga, theo The Guardian.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cũng gọi đây là đòn đau đối với hạm đội biển Đen của Nga vì tàu Moskva đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực chiếm ưu thế trên biển của Moscow tại biển Đen.