Nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là Liên danh ACC – TCT Xây dựng Trường Sơn - Vinaconex - CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam - Cienco4 - CTCP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.
Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã thông báo nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu số 4.6 “Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác” của Dự án thành phần 3, Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Gói thầu số 4.6 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác. Đây là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của đại công trình sân bay Long Thành, có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng.
Được biết, nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình hàng không ACC - TCT Xây dựng Trường Sơn - Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (Cienco4) - CTCP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.
Trong số các doanh nghiệp thuộc liên danh trên, có 2 đơn vị niêm yết trên sàn chứng khoán là Vinaconex (MCK: VCG) và Cienco 4 (MCK: C4G).
Theo BCTC hợp nhất quý II/2023 của VCG, doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng đột biến 110% so với cùng kỳ lên 4.567 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng tăng gấp ba, ở mức 4.137 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 27,7% về còn 119 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh lên 245 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ở mức gần 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 104 tỷ đồng, cùng tăng 25%.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Vinaconex báo lãi sau thuế 130,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế, VCG cho biết, lãi ròng giảm do giá vốn hoạt động cùng với các chi phí tăng cao. Mặt khác, từ đầu năm 2023, các công ty con, công ty liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế trong nước, làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu 6.532 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng với cùng kỳ 2022, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 80% về còn 139 tỷ đồng. Với kết quả này, Vinaconex đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, ngoài việc tham gia liên danh tham gia gói thầu 4.6, Vinaconex cũng góp mặt trong Liên danh Vietur do doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, đấu thầu gói thầu 5.10 sân bay Long Thành. Liên danh này cũng là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 sân bay Long Thành.
Được biết, Vinaconex đã tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia, bao gồm các cảng hàng không trong nước, như Nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Phú Bài, sân bay Cam Ranh...
Doanh nghiệp niêm yết còn lại trong liên danh của Vinaconex tại gói thầu 4.6 là Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (MCK: C4G).
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2023, lợi nhuận gộp của C4G ở mức 113 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng 47,7%, tương ứng tăng thêm 11,97 tỷ đồng, lên 37,08 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí tài chính tăng tới 83,7%, tương ứng tăng thêm 39,27 tỷ đồng, lên 86,19 tỷ đồng.
C4G báo lãi sau thuế quý II/20923 đạt gần 37 tỷ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế nửa đầu năm 2023, C4G thu về 1.081,7 tỷ đồng doanh thu và 77,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 10,6% và 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, Cienco 4 đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới thực hiện 24% kế hoạch doanh thu và hơn 23% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Cienco 4 đạt 9.639 tỷ đồng, tăng 1.368,1 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.866,8 tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng tài sản; hàng tồn kho tăng 12,5%, lên 902 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp 3,3 lần so với đầu năm, lên 713,1 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn tăng từ 15 tỷ đồng lên 165,8 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nợ phải trả của C4G ở mức 5.944,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,9% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ghi nhận xấp xỉ 3.300 tỷ đồng.