Kéo dài từ ngày 4 đến ngày 13/10 với 14 đơn vị nghệ thuật trong nước và 7 đoàn quốc tế tham gia, trước giờ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 khép lại, đã nhìn thấy một kỳ Liên hoan thành công khi xuất hiện những nhân tố như là “Cậu Vanya”.
Cảnh trong vở “Cậu Vanya”.
Các vở diễn sân khấu thử nghiệm đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, rạp Đại Nam, Nhà hát VOV, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… Mỗi ngày có vài suất diễn và xen giữa các buổi diễn kịch là những buổi hội thảo nhỏ để nhìn nhận, đánh giá, thảo luận về các thử nghiệm trong những vở diễn dự thi.
Đã có những vở diễn được nhắc tên nhiều lần trong các cuộc thảo luận của giới làm nghề. Trong số ấy, nổi lên là vở “Cậu Vanya” do Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng. Tất nhiên, không phải đến Liên hoan này “Cậu Vanya” mới nổi. Trước đó, vở diễn đã chiếm cảm tình đặc biệt của khán giả khi Nhà hát Tuổi trẻ công diễn. Nhưng khi ở trong một Liên hoan sân khấu, có dịp nhìn trong tổng thể cùng những vở diễn thử nghiệm khác, “Cậu Vanya” đã trở thành một nhân tố đảm bảo cho thành công của một kỳ Liên hoan, là tìm ra được một vở diễn thử nghiệm xuất sắc.
“Cậu Vanya” là một vở kịch kinh điển của Chekhov. Và việc dựng kịch Chekhov luôn là một thách thức đối với giới sân khấu, có lẽ, không chỉ ở Việt Nam khi mà trong kịch luôn có những lớp nghĩa rất sâu ẩn sau lời thoại u ám. Đạo diễn người Nhật Bản đã chọn cách xử lý khiến người xem đặc biệt hào hứng. Đó là ông đã bớt đi màu sắc u ám nặng nề trong kịch bản, gia tăng những diễn biến sôi động. Thông điệp ông giữ lại trong vở kịch gần với cuộc sống hiện đại: Sự bạc nhược, an phận và quanh quẩn của mỗi con người.
Thậm chí, để có một thông điệp mang tính con người nói chung, “Cậu Vanya” trong bản dựng thử nghiệm ở Việt Nam lần này chỉ còn mang màu sắc Nga ở các tên riêng nhân vật. Còn lại phối cảnh, trang phục, âm nhạc... của vở diễn có thể diễn ra ở bất cứ đâu trong cuộc sống này.
Tính ước lệ của sân khấu thử nghiệm được thể hiện bằng hai không gian: Một không gian phía trong là không gian ảo, nơi mà các nhân vật tìm đến như một sự giải thoát và một không gian phía ngoài là cuộc đời thật, nơi các nhân vật sống, trò chuyện với nhau. Hai không gian ấy được ngăn cách chỉ bằng một tấm màn sân khấu.
Trong cái không gian sân khấu ấy, đặt một bộ bàn ghế lớn. Cậu Vanya và cô cháu gái Sonya sống cuộc sống của họ, một cuộc sống vất vả, nhọc nhằn. Họ làm việc, phục vụ cho những người mà đến một ngày họ phát hiện ra là những con người ấy hoàn toàn giả dối. Nhưng ngay cả khi ấy, cậu Vanya và cô cháu gái Sonya đáng thương ấy cũng không đủ sức bước ra khỏi thân phận của mình. Họ tiếp tục luẩn quẩn với niềm tin vào một ngày mai. Một ngày mai không biết bao giờ mới tới…
“Cậu Vanya” xứng đáng là một vở diễn được trông đợi của nước chủ nhà. Tuy nhiên, như mọi kỳ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm khác, những vở diễn quốc tế bao giờ cũng thể hiện phần vượt trội. Lần này, vở “Bpolar” của đoàn nghệ thuật Ayit (Israel) phát triển từ truyện ngắn nổi tiếng “Nhật kí người điên” của nhà văn Nga Gogol, cũng được giới làm nghề đánh giá cao. “Bpolar” gắn với câu chuyện của một nhân viên bán hàng lớn tuổi – người thầm yêu con gái của chủ nhân. Vở diễn không có phụ đề, bởi gần như hoàn toàn không có lời thoại. Thay vào đó, trong hơn 60 phút đồng hồ, bằng diễn xuất cộng cùng sự phối hợp với âm nhạc, ánh sáng, múa rối và các màn chiếu video, mọi cung bậc cảm xúc của nhân vật - từ thích, yêu, si dại... cho tới khi phát triển thành căn bệnh tâm thần đầy u uẩn - được dẫn dắt rất khéo để đẩy tới cao trào. Ngay tại một buổi hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan, vở diễn này đã được đánh giá: “Chọn kịch bản về thế giới nội tâm của một người điên, lại không cần lời thoại, vậy mà cái sự “điên” ấy lại được lột tả đến tận cùng và cuốn người xem vào cảm xúc của nhân vật”.
Còn một vở diễn quốc tế khác cũng được đánh giá rất cao là “Cánh đồng đẫm máu” của Nhà hát Thessaly (Hy Lạp). Dựa trên bộ phim cùng tên nổi tiếng của Hy Lạp (từng được đề cử giải Oscar năm 1966), “Cánh đồng đẫm máu” kể về cuộc xung đột tàn nhẫn diễn ra tại vùng Thessaly vào đầu thế kỷ 20. Ở đó, sống như nô lệ thời Trung cổ, những người nông dân nghèo khó đã nhiều lần đứng lên chống lại các chủ đồn điền để đòi quyền sở hữu một mảnh đất cho mình. Cũng sử dụng rất ít lời thoại, “Cánh đồng đẫm máu” mang đậm tính ước lệ của sân khấu phương Đông, với cách xử lý rất đặc biệt. Trên tay các diễn viên luôn là những cây gậy, tùy theo từng lớp diễn, có lúc chúng trở thành công cụ lao động, thành vũ khí chiến đấu, hoặc thành những vật dụng để nhân vật biểu lộ cảm xúc của mình. Tính thử nghiệm của vở diễn này được thể hiện bằng kỹ thuật đèn chiếu với đạo cụ là những tấm vải lớn tượng trưng cho tấm bản đồ đất, cánh đồng của những người nông dân...
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm chuẩn bị khép lại, đã có những nhân tố sân khấu xuất sắc xuất hiện. Nói như nhà nghiên cứu sân khấu Lê Quý Hiền: “Cả Liên hoan chỉ cần có vài vở như “Cậu Vanya” là thành công rồi”.