Câu chuyện trái cam ở Vĩnh Long rớt giá, người trồng lao đao vì thua lỗ đã xảy ra hai mùa cam gần đây. Vĩnh Long là thủ phủ cam sành lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, những vườn cam ở Xuân Hiệp, Thới Hòa (Trà Ôn), Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm)… được mùa, sai lúc lỉu. Những sọt cam được người nông dân thu hoạch xếp đầy vườn chờ thương lái. Thế nhưng, đáng buồn là, nhiều vườn, thương lái bỏ cọc, cam chín vàng, rụng đầy gốc.
Thời điểm này, trái cam phải đẹp, bắt mắt lắm mới được giá 4.000 đồng/kg, còn trung bình chỉ từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Với giá này thì người trồng cam thua lỗ nặng nề. Có vườn lỗ cả vài trăm triệu đồng.
Thế nhưng, trong nỗi buồn chung của người trồng cam thì vẫn có những tín hiệu tích cực. Vụ cam này, bà con nông dân thoát lỗ nhờ sự liên kết, nhờ việc chủ động lo cho đầu ra của trái cam ngay từ đầu vụ. Cái cách họ lo ở đây cũng không có gì mới, nhưng lại chưa được nhiều nông hộ thực hiện. Một số hộ trồng cam ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn cho biết, mặc dù giá bán không cao, chỉ khoảng 5000 đồng/kg, nhưng đầu ra của trái cam sành vụ này đã được đảm bảo, bà con không bị lỗ, có tiền để tái đầu tư cho vụ sau.
Cũng theo lời các hộ nông dân này, khi tham gia hợp tác xã (HTX), bà con được hướng dẫn kỹ thuật canh tác để trái cam đảm bảo chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.
Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều hộ nông dân đã “nhàn” hơn rất nhiều khi không phải lo đầu vào, đầu ra cho nông sản nhờ tham gia HTX. HTX sẽ đảm nhận vai trò tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ cho nông dân và kết nối với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định.
Và thực tế cũng cho thấy chỉ khi hợp tác, liên kết các hộ nông dân nhỏ lẻ mới tạo ra vùng sản xuất tập trung, dễ dàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng nông sản, đáp ứng được yêu cầu và tính cạnh tranh của thị trường.
Trong khi nếu nông dân canh tác riêng lẻ, khi tiêu thụ nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định và đầu ra cũng thất thường. Khi giá cao thì thương lái săn đón, giá thấp họ sẵn sàng bỏ cọc. Nông dân cũng không thể tự liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp vì không đảm bảo được số lượng lại khó chứng minh chất lượng.
Bỏ qua một số vấn đề tồn tại, thì vai trò và hiệu quả của các HTX, kinh tế tập thể rất rõ ràng. Vậy nhưng hiện mới có khoảng 30% tổng số hộ nông dân cả nước tham gia các HTX. Đó là vấn đề các cơ quan chức năng, cũng như địa phương cần phải xem xét. Bởi đây chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để nông dân không còn lo ế ẩm, thua lỗ mỗi vụ thu hoạch, mà trái cam ở Vĩnh Long là điển hình rõ nhất.