Liên kết để tiêu thụ hàng hóa

Thúy Hằng 18/08/2023 07:25

Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, thì việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu đang được các doanh nghiệp chú trọng.

Liên kết vùng để nâng cao giá trị nông sản.

Khi liên kết doanh nghiệp – hộ nông dân – hợp tác xã sản xuất sẽ tạo ra được hiệu quả, giúp hộ nông dân nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất. Chưa kể liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã (HTX) sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa. Ngoài ra, liên kết vùng còn đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, lãnh đạo nhiều địa phương, bộ, ngành cho rằng, vấn đề liên kết vùng vẫn tồn tại nhiều nút thắt, như tính liên kết giữa các địa phương, các vùng còn lỏng lẻo, mang tính tự phát. Một số địa phương “cạnh tranh” không lành mạnh khi đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư...

Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, công ty luôn hướng tới xuất khẩu nông sản đi nhiều thị trường trên thế giới. Vì thế, từ năm 2012, Vinasamex đã hướng tới xây dựng chuỗi giá trị, làm việc trực tiếp với bà con nông dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn. Hiện doanh nghiệp đang liên kết với 3.000 nông dân.

Tuy nhiên, khi xây dựng liên kết này, bà Huyền cho biết đã gặp phải nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu tiên bởi lúc đó việc liên kết, xây dựng chuỗi giá trị chưa mạnh, người dân không tin, sợ doanh nghiệp thu mua giá thấp. Vinasamex đã mất khoảng 3 năm để thuyết phục người dân, đào tạo các hộ nông dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo TS Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo, mờ nhạt, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể. “Điều này đòi hỏi cần phải khắc phục những mặt hạn chế và khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành nông nghiệp” - ông Hùng nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương. Đó là thách thức về quy hoạch, tính đồng nhất của các địa phương. Cùng với đó là tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững.

Cũng theo ông Thịnh, các địa phương cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Khi có cơ sở dữ liệu chung sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng, hướng đến giá cả cạnh tranh. Chẳng hạn có những mặt hàng đang hút hàng hay giá cả tăng vọt, trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì chúng ta sẽ nắm được mặt hàng này ở địa phương nào, vùng nào đang dư thừa để điều phối cung ứng kịp thời, tránh nguy cơ thiếu hay đứt gãy chuỗi nguyên liệu sản xuất.

Các địa phương trong những vùng có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp cần hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, giống chất lượng cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đặc biệt là xây dựng các sản phẩm chủ lực của vùng với mục tiêu cung cấp cho các địa phương trong cả nước và phục vụ cho hoạt động xuất khẩu bên cạnh việc cung cấp cho từng thị trường trực thuộc kinh tế vùng.

Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, xu thế kinh tế sắp tới kỳ vọng vào liên kết vùng, phát huy thế mạnh kinh tế tập thể, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, cùng cả nước đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để tiêu thụ hàng hóa