Với đặc trưng về sản phẩm du lịch và vị trí địa lý tương đồng, nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ như Bến Tre, Tiền Giang, Long An... đã liên kết với nhau bằng cách “cộng tour” để thu hút khách du lịch. Mô hình này tuy không mới nhưng đã mang đến doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho mỗi địa phương.
Anh Trần Văn Tiến, hướng dẫn viên du lịch lâu năm ngụ tại quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, vào dịp lễ, tết, cuối tuần, nhu cầu du lịch từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn rất lớn.
“Nhiều khách quốc tế và trong nước vẫn chuộng đi du lịch sông nước miệt vườn. Tuy nhiên, họ không chỉ dừng chân ở một địa điểm nào mà muốn tới nhiều nơi, có thể là 3-5 địa điểm ở các tỉnh khác nhau trong một ngày. Vì vậy các hãng lữ hành đã nắm bắt nhu cầu này, cộng các tour ở vài địa phương gần nhau nhằm làm mới các địa điểm tưởng như đã cũ gần TPHCM phục vụ du khách”, anh Tiến cho biết.
Theo anh Tiến, dịp lễ 30/4 vừa qua, công ty du lịch của anh đã nhận được gần 20 đoàn đăng ký đi các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, Long An bởi các tỉnh này gần TPHCM, chỉ cần một ngày là khám phá được. Hiện nay du lịch miệt vườn được ưa chuộng không chỉ bởi các dịch vụ truyền thống như đi thuyền trên sông, tham quan vườn trái cây, nghe nhạc đờn ca tài tử… mà còn bởi hàng loạt các homestay mang phong cách đồng quê, không gian nghỉ dưỡng rất yên bình mà giá cả lại hợp lý. Các homestay này khá phát triển và nhiều khu vực như cù lao, ven sông được chính quyền địa phương quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng với hàng loạt các homestay mang phong cách đặc trưng.
Nói về hiệu quả của các dịch vụ du lịch thời gian qua, ông Nguyễn Văn Bàn - Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết, chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 vừa qua, tỉnh đã đón 103.000 lượt khách du lịch, đem lại doanh thu 113 tỉ đồng. Nhiều khách sạn đạt 90% lượng khách và toàn bộ các homestay trên địa bàn có 100% khách đặt phòng. Theo ông Bàn, du lịch tỉnh Bến Tre thời gian qua đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực nhờ liên kết với các địa phương khác.
Các địa điểm tham quan du lịch thu hút nhiều du khách như: Khu du lịch Lan Vương, Khu du lịch Cồn Phụng, Bảo Thạch, Làng Bè, Khu du lịch biển Cồn Bửng…
Tương tự, dù không thu hút đông đảo khách du lịch như Bến Tre nhưng tỉnh Tiền Giang cũng có 88.500 lượt du khách trong 5 ngày nghỉ lễ. Từ lâu, du lịch của các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có sự tương đồng, gắn kết chặt chẽ bởi vị trí địa lý nằm cạnh nhau. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Bến Tre đang phát huy nhiều lợi thế hơn, chủ yếu là sản phẩm và thương hiệu cây dừa để khai thác du lịch, đem tới nguồn lợi thực chất.
Trong khi đó, thống kê của tỉnh Long An cho thấy, dịp nghỉ lễ vừa qua có hơn 40.000 lượt du khách tới địa phương này, đem lại doanh thu khoảng 20 tỉ đồng. Từ lâu, tỉnh Long An được coi là địa điểm kém hấp dẫn nhất với khách du lịch trong số các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, so với những năm trước, du lịch tỉnh này hiện đã tăng ở nhiều tiêu chí như lượng khách, khách quốc tế hay doanh thu. Hầu hết khách du lịch tới Long An đều đi cùng tour với các tuyến du lịch khác như Bến Tre, Đồng Tháp…
Là một trong những mũi nhọn kinh tế của nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, du lịch thời gian qua được các địa phương trú trọng, liên kết với nhau để đem tới nhiều trải nghiệm hơn cho du khách. Trong đó hầu hết đều nhắm tới lượng du khách từ TPHCM.
Mới đây, tại Cần Thơ, nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch. Hội nghị đóng vai trò là diễn đàn giới thiệu, kết nối du lịch giữa vùng Tây Bắc và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời là dịp để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên, văn hóa độc đáo đó, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng mong muốn sẽ kết nối tốt với vùng ĐBSCL, tạo nên chuỗi các tour, tuyến sản phẩm du lịch độc đáo ở các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,…