Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới" được tổ chức ngày 24/6 tại Khánh Hòa là một phần trong Kế hoạch đề ra của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các địa phương trong vùng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học.
Tọa đàm, theo như Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu là, có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho rằng liên kết tiểu vùng Nam Trung bộ đạt được một số kết quả nhất định Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, ông Đông cho rằng, “sự phối hợp giữa các địa phương mang tính tự phát, chưa toàn diện và thường xuyên, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức. Do vậy, chưa tạo ra được hiệu quả phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch, hoạch định những chính sách riêng biệt thống nhất cho vùng/tiểu vùng, thiếu sự gắn kết, phân công giữa các địa phương trong vùng.”
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh trong trả lời bên lề tọa đàm cũng thẳng thắn thừa nhận, sự liên kết vùng trong thời gian vừa qua còn một số bất cập, hạn chế. Chúng ta cần phải có giải pháp khắc phục để đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
“Khánh Hòa là một tỉnh thuộc tiểu vùng Nam Trung bộ, trong thời gian tới chúng tôi xác định phải rà soát lại tất cả những nội dung công tác liên kết đã triển khai để xem những việc gì đã làm được, những việc gì làm chưa được thậm chí những việc gì cần phải loại bỏ đi vì nó không phù hợp với cơ chế, điều kiện cũng như bối cảnh mới. Bên cạnh đó chúng tôi cũng chủ động làm việc với các địa phương trong tiểu vùng để xác định lại, thiết kế lại những cơ chế tham mưu với cơ quan có thẩm quyền để có những cơ chế chính sách phù hợp hơn với điều kiện, bối cảnh phát triển và cơ hội phát triển mới. Và chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với nhau để xác định những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên để hợp tác liên kết”, ông Ninh khẳng định sự đóng góp của Khánh Hòa thời gian qua và những gì sẽ làm cùng các tỉnh trong vùng thời gian tới để liên kết vùng trở nên thực chất, hiệu quả.
TS Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng, định hướng trong liên kết của khu vực nên là: Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực dựa trên thế mạnh là nuôi trồng thuỷ sản, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, cũng như cái ngành tài nguyên, phát triển tài nguyên và hệ sinh thái biển. Một điểm mạnh nữa của các tiểu vùng Nam Trung Bộ đó là phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực dựa trên thế mạnh phát triển kinh tế du lịch biển -một trong những thế mạnh mà các tiểu vùng của Nam Trung Bộ có thể phát huy…
Kết luận cuộc tọa đàm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, tọa đàm của ngày hôm nay cho thấy liên kết của tiểu vùng Nam Trung Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung còn rất nhiều khó khăn và hạn chế; còn rất nhiều bất cập thiếu các hành lang pháp lý, các cơ chế phối hợp cũng như là chế tài thực thi để đảm bảo hiệu quả.
“Và thực tiễn của liên kết tiểu vùng và vùng đã đòi hỏi cần phải có những bước đi mạnh bạo hơn nữa, mạnh dạn hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế điều phối liên kết hiệu quả trong đó cần phải vai trò của Nhà nước như người nhạc trưởng, được các tỉnh nêu trong điều phối vùng, liên kết vùng nhất là thông qua công cụ quy hoạch và các cơ chế chính sách trong quản lý và phân bổ nguồn lực….”, ông Trần Tuấn Anh nói và đề nghị, tổ biên tập tập hợp lại, để báo cáo ban chỉ đạo trong việc triển khai tiếp tục các hoạt động tổng kết cho nghị quyết 39.