Đó là ý kiến được Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW sáng 14/9, tại Hải Phòng.
Thứ nhất về quy hoạch phát triển đô thị, ông Thanh đề nghị, sớm hoàn thành thẩm đinh, lập phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng 2021 đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Thủ tướng đã phê duyệt tại quyết định 492/QĐ-Ttg (19/4/2022), đây là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển quy hoạch tỉnh; nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển đô thị xanh, thông minh trong đó Hà Nội trở thành đại đô thị thông minh dẫn dắt cả vùng.
Quy hoạch là vấn đề rất lớn hiện nay. Từ thực tế Hà Nội hiện có 2 quy hoạch: Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, thực tế là Hà Nội quy hoạch không chỉ cho Hà Nội mà cho Trung ương và cho cả vùng chứ không thể thoát ly; trong khi đó quy hoạch chung cả nước đang trong quá trình hoàn thành mà hiện rất lúng túng. lúng túng từ cách làm cho đến vấn đề hậu cần, tư vấn. Đây là điều không chỉ Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng cần mà 63 tỉnh thành phố cũng đang cần. Vậy, "tư vấn nước ngoài có làm được không? có hiểu văn hóa Việt Nam?. Phát triển kinh tế, phát triển đất nước mà người ta không hiểu văn hóa mình thì làm sao vẽ cho mình được; nên phải có phương án kết hợp thế nào đó. Đặc biệt là văn hiến như Hưng Yên, Hà Nôi. Văn hiến như thế nào? đó là cái khó, nếu bộ, ngành không quan tâm thêm, cùng tháo gỡ thì địa phương bơi không được, nhất là liên kết vùng", ông Thanh nói.
Thứ hai, theo ông Thanh là vấn đề thể chế chính sách liên kết vùng. Đề nghị các bộ, ban ngành Trung ương sớm ban hành cơ chế điều phối liên kết. Có cơ chế điều hành tập trung trong triển khai.
Cái chưa được của Nghị quyết 54 là cơ chế điều phối ràng buộc phải chăng là qua quy hoạch chứ không phải là việc thành lập một tổ chức hành chính.
Thứ ba, là cơ chế chuyển dịch kinh tế vùng tiếp tục cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với tăng trưởng về công nghệ kinh tế xanh, kinh tế số; cơ chế thúc đẩy, phân công nhiệm vụ trong vùng…
Đề nghị phát huy tối đa “Nhà mặt tiền” về kinh tế biển Hải Phòng- Quảng Ninh cần được tạo điều kiện để 2 tỉnh này phát triển, ông Thanh nêu.
Thứ tư, phát triển hạ tầng giao thông- vấn đề rất quan trọng kết nối bằng đường cao tốc. Tới đây chúng ta tập trung làm đường vành đai 4, nhân đây, đề nghị Hưng Yên, Bắc Ninh kết hợp với Hà Nội thật chặt chẽ để làm đường vành đại 4 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Đề nghị Trung ương sớm triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc- Nam phía Tây khu vực Ba Vì, chợ Bến; mở rộng quy mô và phân kỳ đầu tư cao tốc Hà Nội- Bắc Giang lên 6 làn xe; một số đoạn tuyến quốc lộ 6 Yên Nghĩa- Xuân Mai cũng cần được mở rộng; quốc lộ 21C Mỹ Đình- Ba Sao- Bái Đính. Cái này liên quan kết nối toàn vùng về phát triển du lịch; đặc biệt nghiên cứu sân bay quốc tế. Bộ GTVT chưa có quy hoạch sân bay (làm sân bay phải quy hoạch hàng trăm, hàng ngàn hec ta phục vụ hậu cần bay) trong khi quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sắp làm rồi; nên quy hoạch sân bay cần có sớm", ông Trần Sỹ Thanh đề nghị.
Thứ năm, khoa học công nghệ phải giúp đưa Thủ đô nói riêng và toàn vùng nói chung phải trở thành trung tâm khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; xây dựng sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc trưng của đồng bằng sông Hồng- đây là chiều sâu văn hiến. Phát triển các khu trung tâm sáng tạo khởi nghiệp như Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh; hoàn thành xây dựng khu công nghệ cao Láng- Hòa Lạc cơ sở của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia của Hà Nội...