Giám sát - Phản biện

Liên quan vụ án Công ty Lilama Lào Cai: Thiếu chứng cứ và có dấu hiệu "bỏ lọt hành vi"?

Tùng Duy 28/02/2024 15:33

Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai xét thấy hồ sơ vụ án thiếu chứng cứ và có dấu hiệu đồng phạm khác nhưng chưa được khởi tố.

Trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung chứng cứ

Sau hơn 2 năm tiến hành điều tra và truy tố, vụ án Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama (gọi tắt Cty Lilama - không liên quan gì đến Tổng Cty lắp máy Việt Nam LILAMA) khai thác quặng trái phép tại Lào Cai (khởi tố tháng 8/2021) đã được VKSND tỉnh này ban hành Cáo trạng tháng 10/2023 và chuyển hồ sơ sang Toà án.

Nhưng 3 tháng sau, TAND tỉnh Lào Cai đã quyết định chuyển trả hồ sơ về VKSND tỉnh Lào Cai đề nghị điều tra bổ sung chứng cứ. Tòa án xét thấy "Hồ sơ vụ án thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 Bộ luật TTHS mà không thể bổ sung tại phiên tòa, và có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác liên quan vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can" - theo Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của TAND tỉnh Lào Cai ngày 5/1/2024.

Theo Cáo trạng truy tố (số 58/CT-VKST-P2), bị can Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, lúc còn đương chức Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh này, phải chịu trách nhiệm chính khi tạo điều kiện cho Cty Lilama và Cty Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit trị giá hơn 610 tỷ đồng giai đoạn 2012-2015. Từ đây Cty Lilama thu lời trên 171 tỷ đồng, và Cty Apatit thu lời 184,5 tỷ đồng - đều là những khoản lợi bất chính. Một loạt bị can khác là cán bộ, nguyên cán bộ tỉnh Lào Cai, trong đó có cựu Chủ tịch tỉnh Doãn Văn Hưởng, đã bị khởi tố. Đây là những người thực hành, xâm hại tài nguyên quốc gia, xâm hại uy tín của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Những bị can trên, dù biết rõ khu vực 3,77 ha tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit và thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn làm trái quy định, chỉ đạo và ký cấp giấy tờ không đúng thẩm quyền tạo điều kiện cho Cty Lilama và Cty Apatit “thu hồi, vận chuyển khoáng sản để quản lý, sử dụng” (kể cả quặng nghèo) trong khi san gạt mặt bằng cho dự án nhà hàng, khách sạn tại đây. Điều tra cho thấy, Cty Lilama còn mở rộng khu vực tận thu quặng rộng ra 5,99ha.

Hồ sơ vụ án thể hiện, bị can Nguyễn Mạnh Thừa - Tổng giám đốc Cty Lilama, sau khi đã khai thác và tiêu thụ trái phép số quặng ở khu vực 3,77 ha, dịp tết Nguyên đán 2015 đã đến nhà riêng của Nguyễn Văn Vịnh (khi đó ông Vịnh mới lên chức Bí thư Tỉnh uỷ) biếu tiền mặt 5 tỷ đồng. Bị can Vịnh đã thừa nhận điều này tại CQĐT và khai rằng đã chi tiêu hết số tiền.

122.jpg
Công an xác định, số quặng khai thác trái phép lên tới hơn 1,5 triệu tấn. Ảnh: Long Nguyễn.

Tuy nhiên, bản Cáo trạng không đề cập xử lý hình sự hành vi này, và cũng không cho thấy bị can Nguyễn Văn Vịnh có nộp lại CQĐT số tiền này như một hành vi “khắc phục hậu quả” hay không. Theo Cáo trạng, tổng số tiền khắc phục hậu quả mà các bị can nộp lại CQĐT là 229 tỷ đồng, nhưng trong đó không có tên bị can Nguyễn Văn Vịnh.

Theo luật sư Đỗ Như Thành (Đoàn LS TP Hà Nội), việc cơ quan tố tụng không đề cập xử lý hình sự hành vi trên là có dấu hiệu "bỏ lọt hành vi phạm tội" (chưa thể gọi là "bỏ lọt tội phạm") bởi lẽ đây là số tiền đặc biệt lớn, rất khó cho rằng chỉ vì tình cảm quý mến mà ông Thừa biếu ông Vịnh lượng tiền này. Nhưng cần xem xét rõ những tương tác, quan hệ, trao đổi giữa hai đối tượng liên quan hành vi khai thác quặng trái phép, đánh giá cẩn trọng mục đích việc biếu tiền này. Tuy nhiên, chỉ cần xét đến những điều cấm làm đối với đảng viên thì ông Vịnh đã phải bị xử lý nghiêm khắc.

Bản cáo trạng, theo TAND tỉnh Lào Cai, chưa làm rõ hành vi “Rửa tiền” của bị can Nguyễn Mạnh Thừa (đã hoàn tất rửa 177 tỷ đồng) thuộc quy định nào của Điều 251 BLHS sửa đổi 2009. Việc rửa tiền này liên quan nhiều người, nhiều công đoạn, trong đó có ngành thuế, nhưng không nhân viên nào, doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự.

img_9393.jpg
Công ty hóa chất Đức Giang - Lào Cai có những khoản lợi nhuận bất chính. Ảnh: Tùng Duy.

Xử lý khoản lợi bất chính thế nào?

Quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Lào Cai ngày 5/1/2024, Toà án ghi rõ đề nghị: “Điều tra, xác minh số tiền thu lợi bất chính của Cty cổ phần Hoá chất Đức Giang Lào Cai và Cty TNHH Phốt pho vàng Việt Nam phát sinh từ Hợp đồng mua bán quặng apatit trái phép với Cty TNHH Lilama”. Cáo trạng cho biết hai công ty trên đã mua (chỉ từ ngày 24/7/2014-10/8/2014) hơn 43.000 tấn quặng apatit của Cty Lilama (do khai thác trái phép mà có). Sau đó một tháng, từ ngày 8/9/2014-26/9/2014, hai công ty trên tiếp tục mua tổng số hơn 90.000 tấn quặng hàm lượng cao của Cty Lilama. Dĩ nhiên vẫn là quặng khai thác trái phép.

Tất cả số quặng trên đã được hai công ty đưa vào sản xuất tạo ra chế phẩm phốt pho và sản phẩm khác. Được biết sản phẩm phốt pho tiếp tục được hai công ty bán cho hai doanh nghiệp Nhật Bản là Toyota và Mitsubishi phục vụ sản xuất pin điện ô tô. Cty Apatit Việt Nam mua tới hơn 1,2 triệu tấn quặng apatit của Cty Lilama, đưa về sản xuất và kinh doanh, thu lãi bất chính 184 tỷ đồng - đã nộp lại cho CQĐT nhằm khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, theo CQĐT, thời điểm mua quặng của Cty Lilama, hai công ty Hoá Chất Đức Giang Lào Cai và Phốt pho vàng Việt Nam không biết đó là hàng do vi phạm pháp luật mà có, nên không đề cập xử lý hình sự. Song, qua quyết định trả hồ sơ, TAND tỉnh Lào Cai có thể đã có căn cứ khi viết nội dung “điều tra, làm rõ số tiền thu lợi bất chính” của hai công ty này. Và hai công ty khi mua hàng có biết đó là “hàng bất chính” hay không, cũng cần được làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết sáng 27/2/2024, bà Nguyễn Thị Huệ - Chánh Văn phòng TAND tỉnh Lào Cai, cho biết phía VKSND tỉnh này hiện chưa chuyển lại hồ sơ vụ án sang Tòa án tỉnh để tiếp tục xử lý.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp khoáng sản tại Lào Cai

Tháng 1/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt 4 doanh nghiệp có sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Lào Cai với tổng số tiền 250 triệu đồng (các Cty: Apatit Việt Nam, Đồng Tả Phời - Vinacomin, Sông Đà Lào Cai, và Phân lân Nung chảy), trong đó Cty khoáng sản Sông Đà Lào Cai bị tước giấy phép khai thác. Phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 của UBND tỉnh Lào Cai đánh giá hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này gặp nhiều khó khăn, có những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên quan vụ án Công ty Lilama Lào Cai: Thiếu chứng cứ và có dấu hiệu "bỏ lọt hành vi"?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO