Sức khỏe

Liên tiếp ghi nhận các ca mắc uốn ván

An Thái 26/02/2024 08:18

Hà Nội đã ghi nhận ca mắc uốn ván thứ hai dịp sau Tết. Đây là bệnh cấp tính nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao.

duoi.jpg
Tiêm vaccine uốn ván để phòng bệnh. Ảnh: VNVC.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 2 trường hợp mắc uốn ván, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh nào. Trước đó, năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn thành phố cũng gia tăng với 25 ca bệnh (tăng 2,5 lần so với năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Về ca bệnh mới mắc, CDC Hà Nội cho hay, sau khi bị một vết thương phần mềm mặt trước 1/3 cẳng chân phải, cụ bà 92 tuổi (ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không tiêm phòng uốn ván vì cho rằng vết thương không nghiêm trọng. Đến khi vết thương khô lại, đóng vảy, bệnh nhân khởi phát triệu chứng cứng hàm, khó há miệng. Cho đến 2 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván. Do tuổi cao, không vào viện kịp thời nên tình trạng bệnh nặng hơn.

BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra, từ 25 - 90%; đặc biệt, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong trên 95%. Bệnh uốn ván khởi phát sau chấn thương, trung bình là 7 ngày; 15% số trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% khởi phát bệnh sau 14 ngày.

Thông thường, trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ… Một số trường hợp phẫu thuật hay nạo phá thai trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, gọi là uốn ván sơ sinh.

Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát. Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3 - 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh uốn ván càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận…

Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm… và hầu hết người bệnh đều không nghĩ sẽ mắc uốn ván nên chủ quan trong điều trị, không tiêm phòng kịp thời và phải nhập viện khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng.

Để phòng bệnh, người dân (người lớn và trẻ em) đều cần được tiêm phòng uốn ván, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: Phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn; người làm việc ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc, gia cầm; người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại; công nhân xây dựng công trình; người làm kỹ thuật tiếp xúc với vật sắc nhọn…

Để tạo miễn dịch cơ bản, người dân cần tiêm 3 mũi vaccine, trong đó mũi tiêm thứ 2 sau mũi tiêm đầu tiên 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 sau mũi tiêm thứ 2 là 6 tháng. Khi đã có miễn dịch cơ bản, cần tiêm nhắc lại 1 mũi vaccine sau mỗi 5 - 10 năm để có miễn dịch bảo vệ bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên tiếp ghi nhận các ca mắc uốn ván