Những ngày này các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh Bắc Giang đang tích cực, khẩn trương triển khai Chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát” với chủ trương, mỗi ngôi nhà được xây dựng không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, bằng tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội.
Đó là khẳng định của ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang với PV báo Đại Đoàn Kết.
PV: MTTQ tỉnh Bắc Giang đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy kế hoạch thực hiện vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hiện, kế hoạch này đang được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông TRẦN CÔNG THẮNG: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Từ ý nghĩa đó, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 307-NQ/TU ngày 6/12/2023 và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ lãnh đạo năm 2024 và Nghị quyết số 316-NQ/TU ngày 29/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của các Ban, cơ quan của Tỉnh ủy, các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Theo đó, Ủy ban MTTQ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 714 tỉnh Bắc Giang đã tham mưu ban hành Quyết định số 370/QĐ-BCĐ ngày 26/2 của Ban Chỉ đạo về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch số 38/KH-BCĐ ngày 26/2 của Ban Chỉ đạo về việc triển khai thực hiện vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng như lên kế hoạch tổ chức lễ phát động ủng hộ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2024.
Trong kế hoạch, năm 2024, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu xóa xong 100% nhà tạm, nhà dột nát trong khi nguồn lực còn rất hạn chế. Vậy theo ông, MTTQ tỉnh Bắc Giang có những giải pháp như thế nào huy động tối đa các nguồn lực để đạt được các mục tiêu đặt ra?
- Theo số liệu rà soát, thống kê đến nay toàn tỉnh còn 1.595 nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ, xây mới với tổng kinh phí khoảng 160 tỷ đồng. Để đảm bảo hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở, Ủy ban MTTQ các cấp phải huy động hỗ trợ khoảng 80 tỷ đồng và 42.000.000 ngày công của các lực lượng vũ trang trên địa bàn. Trong đó, cấp tỉnh vận động hộ trợ 50% kinh phí xóa nhà tạm ở 6 địa phương với các mức hỗ trợ để xây mới và sửa chữa là khác nhau.
Về xây mới, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với các Ban, ngành, các tổ chức thành viên triển khai phương thức vận động, hỗ trợ theo phương thức 50/50. Cấp tỉnh vận động hộ trợ 50% kinh phí xóa nhà tạm ở 6 địa phương; 4 địa phương chủ động vận động nguồn lực, hỗ trợ thực hiện xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Cấp huyện, xã căn cứ vào tình hình thực tế địa phương tổ chức vận động, hỗ trợ tiền mặt, ngày công, nguyên vật liệu, vận chuyển nguyên vật liệu… đảm bảo các ngôi nhà được hỗ trợ phải đáp ứng được 3 cứng.
Cùng với việc tham mưu các văn bản triển khai, Ủy ban MTTQ và Ban vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng để tham mưu với cấp ủy có những chủ trương chỉ đạo sát với tình hình thực tế; tăng cường vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và vận động nguồn lực thực hiện chương trình an sinh xã hội, tập trung xây dựng nhà Đại đoàn kết.
Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên của Mặt trận, hướng dẫn đoàn viên, hội viên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phối hợp thực hiện vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo ở từng cộng đồng dân cư.
Hiện nay công tác chăm lo cho người nghèo được tỉnh Bắc Giang đặc biệt coi trọng. Vậy công tác “an sinh” đã được triển khai thế nào để ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn thưa ông?
- Với quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển nên chúng tôi cho rằng việc chăm lo cho người nghèo vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ. Do đó, để thực hiện phương châm 3 an (an ninh, an sinh, an toàn) tỉnh Bắc Giang đã thống nhất với chủ trương, mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, bằng tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội. Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp phải quan tâm nhiều hơn, tập trung nâng cao chất lượng, nâng mức hỗ trợ cho các hộ gia đình để có thêm kinh phí, có điều kiện xây những ngôi nhà khang trang, thoải mái và ấm áp.
Do vậy, năm 2024, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết 307-NQ/TU ngày 6/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ lãnh đạo năm 2024, trong đó giao cho MTTQ chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tuyên truyền vận động; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh góp công, góp sức nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để triển khai thực hiện bằng được mục tiêu xóa xong 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Trân trọng cảm ơn ông!