Câu chuyện 3 xe tải chở 3 cây cổ thụ khổng lồ (quá chiều dài, quá chiều cao hàng hóa nhiều lần so với quy định, quá tải cầu đường từ 20-50%), khởi hành từ một tỉnh Tây Nguyên, lưu thông trót lọt trên chặng hành trình gần 700 km trên quốc lộ 1A qua nhiều tỉnh, thành của Tây Nguyên và miền Trung cho thấy đã và đang tồn tạị lỗ hổng lớn về công vụ và trách nhiệm của nhiều lực lượng chức năng trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1A qua miền Trung.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao tuyến quốc lộ này lại thường xuyên xảy ra tình trạng đó?
Ngày 6/4, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ với Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Phú Lộc (Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế). Chỉ huy trạm cho biết, 3 xe tải chở “cây cảnh” vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị tổ tuần tra kiểm soát của trạm chặn giữ vào lúc 18 h 30 ngày 30/3 tại vị trí km 860 thuộc địa phận xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Khi bị chặn giữ, các lái xe đều xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến phương tiện vận chuyển và bằng lái xe.
Việc 3 chiếc xe chở hàng quá khổ, quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông khi đến địa bàn huyện Phú Lộc của Thừa Thiên-Huế mới bị CSGT chặn lại, lập biên bản tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng của các lái xe, đồng thời phạt chủ xe 81,7 triệu đồng về các lỗi vi phạm cho thấy có gì đó rất không bình thường về trách nhiệm công vụ của lực lượng chức năng trên các tuyến quốc lộ.
Thông tin từ Trạm CSGT Phú Lộc cũng cho biết, trước khi chặn giữ 3 chiếc xe nói trên, họ không nhận được thông tin phối hợp nào từ các đơn vị liên quan của các địa phương phía Nam đèo Hải Vân- từ Đà Nẵng đến Nha Trang. Sự không bình thường này chỉ có thể hiểu theo chiều hướng duy nhất là cả 3 chiếc xe chở hàng hóa quá khổ, quá tải đã nghênh ngang trên các tuyến quốc lộ từ Tây Nguyên xuống miền Trung và từ miền Trung ngược ra Bắc ngay trước mặt lượng tuần tra kiểm soát CSGT và kiểm lâm của nhiều tỉnh/thành phố.
Sau khi 3 chiếc xe chở “cây cảnh” vị chặn giữ, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã xác minh và cho biết 3 chiếc xe chở “cây cảnh” cổ thụ nói trên xuất phát từ xã Tam Giang, huyện Krông Năng của tỉnh này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ Đắk Lắk, các xe quá khổ, quá tải nêu trên có thể theo QL26 xuống TP Nha Trang hoặc ngược về TP Kon Tum của tỉnh Gia Lai, theo QL19 xuống Bình Định rồi từ đó theo QL1A ra Bắc. Ngoài ra còn có tuyến đường khác để 3 chiếc xe lưu thông ra Bắc (như khai nhận ban đầu của các lái xe) là từ Đắk Lắk băng qua Gia Lai, Kon Tum, theo QL14 xuống Quảng Nam hoặc Đà Nẵng sau đó tiếp tục di chuyển theo QL1A. Dù di chuyển trên bất cứ tuyến quốc lộ nào trong các lộ tình nói trên; 3 chiếc xe quá khổ, quá tải cũng phải gặp ít nhất 2 chốt trạm CSGT ở mỗi tỉnh, TP.
Trong trường hợp 3 chiếc xe theo QL26 xuống Nha Trang thì sẽ lần lượt gặp các chốt, trạm của CSGT Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Nếu 3 xe di chuyển theo trục dường xương sống của Tây Nguyên để gặp QL1A tại Quảng Nam hoặc Đà Nẵng chắc chắn sẽ phải qua các chốt trạm CSGT của Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng. Xe quá khổ, quá tải không thể lưu thông quan hầm đường bộ Hải Vân nên chỉ có thể lưu thông bằng 25 km đường đèo.
Khó có thể nói rằng Trạm CSGT Kim Liên của Đà Nẵng án ngữ ngay dưới chân phía Nam đèo Hải Vân không phát hiện ra 3 chiếc xe chở “cây cảnh” quá khổ, quá tải, chậm rãi “bò” qua trước mặt trạm để lên đèo. Trường hợp xe chở “cây cảnh” đến một địa chỉ ở miền Bắc, chắc chắn sẽ phải qua hàng loạt chốt trạm CSGT nhiều tỉnh/thành khác.
Hiện tượng xe chở “cây cảnh” từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, theo QL1A để đến một địa chỉ nào đó ở phía Bắc đã có từ lâu. Cũng vào thời điểm này năm 2017, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã bám theo một xe tải chở “cây cảnh” cổ thụ từ Bắc đèo Hải Vân của Thừa Thiên-Huế đến TP Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình.
“Cây cảnh” cổ thụ đặt trên xe luôn là mối đe dọa với mọi phương tiện tham gia giao thông khác nhưng suốt hành trình hơn 200 km, chiếc xe không hề bị chặn giữ bởi lực lượng chức năng.
Có thể nói, một thời gian dài, xe chở thứ hàng hóa rất đặc biệt là “cây cảnh” cổ thụ, đã qua mặt lực lượng thực thi công vụ trên các tuyến quốc lộ, nhất là QL1A qua miền Trung.
Nếu như nói rằng thú chơi “cây cảnh” cổ thụ đào lên từ núi rừng, là một hiện tượng xã hội thì việc vận chuyển loại hàng hóa cồng kềnh, đe dọa an toàn giao thông này trên mọi tuyến quốc lộ mà rất ít khi bị lực lượng chức năng chặn giữ cũng là một hiện tượng cần có ngay câu trả lời thỏa đáng.
Tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ là nhiệm vụ của CSGT, tuy nhiên không thể nói Kiểm lâm các tỉnh/thành “vô can” trong các vụ việc vận chuyển cây cổ thụ qua địa bàn mình quản lý.
Ngay sau vụ việc 3 xe chở “cây cảnh” cổ thụ bị CSGT Phú Lộc của Thừa Thiên-Huế chặn giữ, bàn giao tang vật cho Kiểm lâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, giao các bộ ngành, địa phương vào cuộc, điều tra có hay không việc “che chắn, bảo kê” cho hoạt động vận chuyển vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4.
Hy vọng sau vụ việc này, lỗ hổng về trách nhiệm công vụ trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1A qua miền Trung sẽ được chấn chỉnh, trả lại kỷ cương phép nước.