Lỗ hổng văn bằng

Lam Nhi 24/10/2018 08:00

Những ngày vừa qua, nhiều trường đại học trong cả nước, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách sinh viên bị buộc thôi học cũng như có nguy cơ buộc thôi học do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do là sinh viên chậm trễ không nộp bằng tốt nghiệp THPT về trường.

Trong đó, Trường ĐH Luật công bố danh sách 169 sinh viên các lớp chính quy văn bằng một và hai, dự kiến cảnh báo học vụ, đình chỉ một năm hoặc buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém năm 2017-2018. Đáng chú ý, năm 2017, Trường ĐH Luật TP HCM đã cảnh báo và buộc thôi học với 700 sinh viên vì kết quả học tập quá thấp, không đảm bảo tiếp tục theo học.

Lỗ hổng văn bằng

Sinh viên bị buộc thôi học vì không nộp bằng tốt nghiệp THPT là một sự lãng phí.

Nhận định chung cho rằng, việc sinh viên bị buộc thôi học do kết quả yếu kém, nợ học phần là việc làm cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo của mỗi trường. Thực tế, việc cảnh báo học vụ hay buộc thôi học được quy định tại Quy chế Đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo tín chỉ. Sinh viên bị buộc thôi học nếu bị cảnh báo học vụ hai lần liên tiếp. Tùy theo đặc điểm của từng trường, hiệu trưởng sẽ quy định áp dụng các điều kiện để cảnh báo kết quả học tập của sinh viên.

Điều đáng nói là có không ít sinh viên các trường ĐH phía Nam trong số những người vừa bị buộc thôi học- bởi lý do thiếu văn bằng tốt nghiệp THPT trong hồ sơ. Đơn cử như bên cạnh tình trạng bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém, Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM cũng công bố danh sách hơn 300 sinh viên khóa tuyển sinh năm 2017 bị buộc thôi học do không nộp bằng tốt nghiệp THPT và bổ sung hồ sơ trúng tuyển nhập học như giấy khai sinh, học bạ.

Hay Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng cảnh báo buộc thôi học 438 SV khóa 2016 do không nộp bằng tốt nghiệp THPT. Động thái này của trường được đưa ra căn cứ trên quy chế đào tạo, tức sau một năm học chính thức, sinh viên phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp THPT để trường kiểm tra và đối chiếu hồ sơ. Đại diện nhà trường cho biết đã nhiều lần nhắc nhở nhưng 438 sinh viên không thực hiện. Bằng thông báo cuối cùng này, nếu họ không kịp thời bổ sung trường sẽ ra quyết định buộc thôi học chính thức. Hàng năm, trường luôn có một lượng sinh viên bị buộc thôi học vì lý do này. Sau khóa 2016, trường sẽ kiểm tra hồ sơ khóa 2017.

Việc buộc sinh viên thôi học đang được coi động thái mạnh tay của các trường ĐH nhằm đối chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ sinh viên, tránh vấn nạn bằng cấp giả đang nở rộ hiện nay. Dẫu thế, một băn khoăn lớn cũng đang đặt ra là việc buộc thôi học các sinh viên chưa có bằng tốt nghiệp THPT là lỗi do người học hay lỗi do lỗ hổng về thủ tục hành chính của các nhà trường? Bởi việc rà soát văn bằng chứng chỉ trong hồ sơ của sinh viên cũng là yêu cầu quan trọng, không nên để các sinh đã qua năm nhất, năm hai mới buộc họ thôi học vì thiếu giấy tờ liên quan.

Nhìn nhận vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng, theo quy định hiện nay, khi các sinh viên bắt đầu nhập học tại các trường ĐH, hầu hết đều chưa được nhận bản chính Bằng tốt nghiệp THPT. Các trường THPT đều cung cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để học sinh nộp về trường ĐH,CĐ hoặc tham gia thị trường lao động. Một thời gian sau, khi được nhận bằng tốt nghiệp THPT và học bạ 3 lớp 10,11,12, nhiều nhà trường chưa yêu cầu nộp ngay về trường để đối chiếu, kiểm tra. Chính vì vậy, rất dễ xảy ra các trường hợp thất lạc, mất văn bằng do thời gian quá lâu hoặc khâu bảo quản...

Do đó, theo đề xuất từ các chuyên gia, giá như chúng ta cập nhật được tất cả những thông tin trong hồ sơ sinh viên lên một hệ thống dữ liệu trực tuyến để có thể tra cứu ở mọi nơi, mọi lúc thì sẽ tránh được nguy cơ thất lạc văn bằng, bị đuổi học.

Theo ông Dong, việc buộc sinh viên thôi học giữa chừng vì thiếu văn bằng THPT vừa cho thấy sự lãng phí trong đào tạo, vừa cho thấy lỗ hổng không nhỏ về thủ tục hành chính trong vấn đề hoàn thiện hồ sơ sau khi nhập học của sinh viên hiện nay. Bản thân các trường ĐH thực hiện rà soát bằng tốt nghiệp THPT là đúng nhưng nếu chỉ vì lý do mất bằng tốt nghiệp mà không nộp được, bị buộc thôi học thì cũng có phần thiệt thòi, tiếc cho công sức của các em học tập chăm chỉ. Ông Dong đồng tình với đề xuất cần có một kho dữ liệu trực tuyến các thông tin này. Khi được số hóa, việc bằng giả, bằng sai thông tin có thể dễ dàng được phát hiện.Việc này đã được thực hiện ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, để làm được việc này cần có chủ trương từ Bộ GDĐT và các chuyên gia kỹ thuật...

Sự lãng phí như đã được chỉ ra ở trên gây ra những thiệt thòi không nhỏ đối với bản thân người học, nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm của những cá nhân liên quan.Từ đó, đặt ra vấn đề cấp thiết phải sớm “trám” lại lỗ hổng trong quản lý hồ sơ đầu vào của các cơ sở đào tạo ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỗ hổng văn bằng