Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại TP Hồ Chí Minh hơn 580 ca và 3 bệnh nhân đã tử vong do mắc sởi khi cơ thể có bệnh nền. TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi trong phạm vi toàn thành phố và hiện đang là địa phương có số ca mắc sởi cao nhất cả nước.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Nga, tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 581 ca Sởi. Thành phố cũng vừa ghi nhận 5 ổ dịch sởi tại 5 trường tiểu học ở quận 7, Bình Chánh, Tân Phú, TP Thủ Đức. Các ổ dịch sởi đều phát sinh trong trường tiểu học kể từ ngày khai giảng đến nay.
Bà Lê Hồng Nga nhận định, dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh đang tăng theo chiều thẳng đứng, tăng cả về số lượng và đang lan rộng về phạm vi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi vẫn còn thấp. Theo bà Nga, giải pháp cho chiến dịch tiêm vaccine là cần hoàn thành công tác điều tra trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vaccine Sởi. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho 70% số trẻ từ trẻ 1 đến 5 tuổi còn lại và nhóm trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi. Triển khai nhiều điểm tiêm chủng tại trạm y tế, trường học, cơ sở tư nhân để đẩy nhanh tiến độ.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch trường học, trong bối cảnh học sinh trở lại trường. Do đó, các trường cần triển khai hệ thống giám sát trẻ sốt, báo cáo để cảnh báo ngay, theo dõi sát.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi bùng phát là do “lỗ hổng vaccine” ở trẻ nhỏ trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19 trẻ đã không được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi. Virus sởi chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được chủng ngừa vaccine hoặc đã tiêm phòng nhưng không đủ liều, từ đó lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác.
Dịch sởi có khả năng bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/ lần, giải thích hiện tượng này, BS. Trương Hữu Khanh cho biết: Nếu năm nay tiêm sót vaccine sởi cho 100 trẻ thì một năm sau, 100 trẻ này vẫn được những đứa trẻ đã chủng ngừa khác bảo vệ. Tuy nhiên, nếu cứ mỗi năm tiêm sót 100 trẻ thì 5 năm sau, số trẻ chưa được chủng ngừa nhân lên 500, lúc này cộng đồng xung quanh không thể bảo vệ hết được, các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng bắt đầu tăng cao. Đó là nguyên nhân tại sao cứ chu kỳ 4-5 năm, bệnh sởi sẽ bùng phát một lần.
Đáng lưu ý, những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chính là nhân tố đầu tiên “hứng chịu” sự tấn công của bệnh sởi. Không những thế, những trẻ này có khả năng trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, thậm chí lây cho cả trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi.
Trước đó, chiều 27/8, UBND TP Hồ Chí Minh chính thức công bố dịch sởi trên địa bàn thành phố. Đây là lần đầu TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch bệnh này.
Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, có thể bùng phát thành dịch, do virus Morbili gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm giác mạc gây mù lòa, viêm tai giữa gây điếc, viêm não, tử vong.
Ngoài các triệu chứng sốt cao, ho khan, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, bệnh sởi còn nổi ban trên da. Đây là dấu hiệu bệnh rất đặc trưng, nhưng chỉ xuất hiện từ giai đoạn bệnh toàn phát và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh có ban da khác như rubella, tay chân miệng, sốt mò...
Khi hết giai đoạn khởi phát, sau khi sốt cao 3-4 ngày, bệnh vào giai đoạn toàn phát, bắt đầu phát ban, còn gọi là mọc sởi. Ban thường xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, bắt đầu nổi từ sau tai, gáy lan tới trán, má và toàn bộ đầu, mặt, cổ trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai ban mọc đến tay, bụng, đùi. Ngày thứ ba ban mọc đến hai chi dưới, lòng bàn chân.
Đặc điểm ban sởi là không ngứa, dạng dát sẩn, hơi nổi gờ, màu đỏ tía, sờ mịn, hình tròn hay bầu dục, kết thành đám tròn 3-6 mm. Xen kẽ giữa các mảng ban sởi có các mảng da lành. Ban kéo dài khoảng 6 ngày. Khi ban nổi khắp toàn thân, bệnh vào giai đoạn hồi phục, bắt đầu giảm sốt và dần hết ban tuần tự giống khi mọc. Lúc này nếu không có biến chứng, bệnh tự khỏi. Nốt ban nhạt dần, chuyển sang màu xám, bong vảy phấn, có thể để lại vết thâm. Những chỗ da thâm đen hình thành sau khi ban đỏ giảm màu sắc và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu "vằn da hổ" - dấu hiệu nổi bật để chẩn đoán bệnh sởi.
Theo bác sĩ Bích, ngoài ban trên da, người bệnh có thể nổi nội ban (gọi là hạt Koplick), ở thời kỳ bệnh toàn phát. Ban là các hạt trắng, nhỏ 0,5-1 mm như đầu đinh ghim, có quầng ban đỏ xung quanh, mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm). Các hạt Koplick thường tồn tại 24-48 giờ. Đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán sởi sớm và chắc chắn. Nếu mắc sởi nặng (thể ác tính), người bệnh có thể bị tím tái da, xuất huyết dưới da ở cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban. Cùng lúc sẽ có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột 39-41 độ C, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, nôn, tiêu chảy... Lúc này, người bệnh cần nhập viện để được điều trị ngay.
BS Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) cho biết: Bệnh sởi, thủy đậu và sốt phát ban rất dễ nhầm lẫn vì đều xuất hiện ban trên da. Việc phân biệt thủy đậu, sởi và sốt phát ban sẽ giúp người bệnh có biện pháp xử lý kịp thời.
Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella-zoster (VZV) với triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu, phát ban dạng phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1-3 mm, ngứa toàn thân. Ban đầu phỏng nước xuất hiện ở mặt, các chi, sau đó lan nhanh ra toàn thân chỉ trong 12-24 giờ. Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy, thâm da vị trí nổi mụn nước.
Thời gian ủ bệnh sau khi lây nhiễm virus là khoảng 2 tuần. Ban đầu, người bệnh cảm thấy hơi khó chịu, mệt mỏi, sốt nhẹ. Sau đó xuất hiện các nốt ban đỏ trên da, vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, rồi ngả màu nước đục. Ban mọc rải rác toàn thân, kể cả trong miệng. Nếu không bị bội nhiễm sau vài ngày, nốt thuỷ đậu tự khô, đóng vảy và bong ra, không để lại sẹo hoặc thương tổn trên da.
Bệnh sởi do virus sởi Morbillivirus gây ra, triệu chứng khởi phát là sốt nhẹ, tăng thân nhiệt, ho, chảy nước mũi, đau mắt đỏ, tiêu chảy. Vào ngày thứ hai, người bệnh xuất hiện các hạt trắng có kích thước nhỏ như hạt vừng trên niêm mạc miệng (hạt Koplik) và tồn tại 12-14 giờ. Vào ngày thứ 4-6, người bệnh sẽ phát ban dạng nốt sẩn, kích thước nhỏ, mọc tuần tự từ sau tai rồi lan dần hai bên má, cổ, xuống ngực, bụng, tay, lưng, hông và chân. Sau khi lan khắp toàn thân, ban sẽ tồn tại đến ngày thứ 6 và dần dần biến mất.
Sốt phát ban là bệnh lý lành tính do virus Human Herpes 6 và 7. Triệu chứng điển hình là xuất hiện những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.