Quốc tế

Lo ngại động đất khiến gạo khan hiếm tại Nhật Bản

Mai Phương 29/08/2024 17:47

Trong vài tuần qua, xảy ra tình trạng thiếu gạo tại các cửa hàng ở Nhật Bản khi các kệ hàng thường trống trơn, còn các cửa hàng treo biển yêu cầu người mua chỉ mua 1 túi gạo cho mỗi người.

anhbaiduoi.jpg
Một cửa hàng tại Tokyo dán biển yêu cầu khách chỉ mua mỗi người một túi gạo. Nguồn: Japan Times.

Nhưng tại sao Nhật Bản lại đột nhiên phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo? Theo ông Hiroshi Itakura - đại diện Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, trong thời điểm hiện tại, tình trạng khan hiếm là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, chẳng hạn như lo ngại về trận động đất Nankai Trough, nhưng đây không phải là tình trạng đáng báo động,

“Ở Nhật Bản, gạo là loại cây trồng chỉ được trồng một mùa trong năm, các vùng sản xuất lúa chính bắt đầu thu hoạch lúa mới vào tháng 9, vì vậy tháng 8 luôn là thời điểm khan hiếm nhất trong năm” - ông Itakura giải thích.

Ông Itakura cho biết thêm, trong vài năm sau đại dịch, đã có tình trạng dư thừa gạo vì ít người đi ăn bên ngoài. Tuy nhiên, năm nay, lượng thặng dư cuối cùng đã cạn kiệt và nhu cầu cũng trở lại mức bình thường.

“Đã có một sự thiếu hụt nhẹ vào khoảng tháng 6, 7 và 8, nhưng kết hợp với điều này, trong 1 hoặc 2 tuần qua, cảnh báo về trận động đất Nankai Trough đã dẫn đến việc tăng doanh số bán gạo, ngoài những thứ như nước và hàng hóa khẩn cấp”- ông Itakura nói, đồng thời cho biết các trận động đất ở tỉnh Kanagawa và Ibaraki trong tuần qua cũng có thể đã thúc đẩy mọi người tích trữ gạo.

Theo một đại diện của Liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp Trung ương (JA Zenchu), có những lý do khác dẫn đến tình trạng thiếu gạo như lượng tiêu thụ tăng của khách du lịch đến Nhật Bản cũng như tác động của nhiệt độ cao đến vụ thu hoạch. Việc giá gạo không bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát như các sản phẩm khác cũng có thể khiến nhiều người mua gạo thay vì các mặt hàng chủ lực khác.

Theo chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng do Bộ Nội vụ công bố, các số liệu mới nhất từ tháng 6 cho thấy, giá gạo chỉ tăng 7% kể từ năm 2020, so với mức tăng lần lượt là 21% và 20% đối với bánh mì và mì sợi.

Đại diện của JA Zenchu nhắc lại tầm quan trọng của việc mua sắm không hoảng loạn. “Luôn có đủ hàng dự trữ, vì vậy người dân cần bình tĩnh và hành động phù hợp. Điều quan trọng là duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa nguồn cung và nhu cầu gạo” - vị đại diện này cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại động đất khiến gạo khan hiếm tại Nhật Bản