Một số ngân hàng đã công bố tăng lãi suất huy động áp dụng cho cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài. Từ những biểu lãi suất này, các chuyên gia lo ngại năm 2017, áp lực tăng lãi suất đang khá nặng.
Ở kỳ hạn ngắn từ 2 đến 6 tháng, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất từ 0,1-0,2%/năm. Cụ thể kỳ hạn 2 tháng áp dụng mức lãi suất 5%/năm thay vì 4,9%/năm như trước, kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng lãi suất tăng từ 5,9%/năm lên 6%/năm.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cũng tăng lãi suất huy động. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng lãi suất tăng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngoài việc tăng lãi suất, các ngân hàng còn tung nhiều chương trình ưu đãi hết sức hấp dẫn để cạnh tranh thu hút khách gửi tiền. Chẳng hạn, tại ngân hàng Quốc dân (NCB) khi khách hàng gửi 10 triệu đồng tiết kiệm (kỳ hạn tối thiểu 1 tháng trở lên), khách hàng sẽ nhận được 1 mã số dự thưởng.
Các ngân hàng cho biết thời gian này các doanh nghiệp có nhu cầu tiền mặt cao để chi lương, thưởng dịp Tết Nguyên Đán, hơn nữa là bắt đầu từ năm 2017 này tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50%. Các ngân hàng buộc phải tăng nguồn vốn ngắn hạn, cách duy nhất là hút tiền gửi từ khu vực dân cư.
Ngoài ra tín dụng tăng mạnh trở lại vài tháng gần đây khiến cho ngân hàng cũng không còn dư dả. Dù Ngân hàng Nhà nước chưa công bố chính thức con số tăng trưởng tín dụng của năm 2016 nhưng thời điểm này cũng là mùa vàng giải ngân vốn, doanh nghiệp chạy nước rút vay tiền. Do vậy ngân hàng cần tăng lãi suất huy động, hút tiền gửi để cân bằng nguồn vốn.
Dù lãi suất huy động chỉ mới tăng ở quy mô nhỏ và mức tăng không đáng kể, nhưng từ đây cũng đặt ra áp lực lãi suất trong thời gian tới. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, lãi suất năm 2017 sẽ chịu nhiều áp lực do mục tiêu tăng trưởng cao. Do đó, điều hành lãi suất phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm được mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, chia sẻ, áp lực với lãi suất năm 2017 là có, song Chính phủ đã chỉ đạo lãi suất cho vay không được tăng, thậm chí trong thời gian tới phải giảm để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng, lãi suất cho vay năm 2017 khó có thể tăng, đồng nghĩa lãi suất huy động cũng không thể tăng”.
Ngoài ra giới chuyên gia cũng cho biết trong năm 2017 ngân hàng vẫn đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, với nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cao, trong đó khoản nợ xấu khoảng 200 ngàn tỷ nợ xấu tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân. Dù Thống đốc cũng đã đưa thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội NH châu Á diễn ra gần đây. Song để thực hiện được điều này, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi.
Với sự áp dụng của Basel II và xu hướng tuân thủ những quy chuẩn quốc tế, nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mong muốn mua lại các ngân hàng nội địa và tham gia quá trình tái cấu trúc vì họ sẽ không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng.
Việt Nam vẫn cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các ông chủ ngân hàng cũng sẽ phải thay đổi cách thức kinh doanh để hoạt động bền vững. Người gửi tiền cũng sẽ xem xét rất cẩn trọng khi chọn gửi tại ngân hàng uy tín thay vì chỉ dựa vào lãi suất như hiện nay.