Những quy định mới về dạy thêm, học thêm đã giải quyết được một số vướng mắc hiện nay tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại về quy định dạy thêm ngoài nhà trường.
Không yên tâm khi con học thêm ngoài nhà trường
Dạy thêm, học thêm tiếp tục thu hút sự tham gia bàn luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư số 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới.
Một trong những điểm đáng chú ý là Thông tư 29 cho phép dạy thêm ngoài nhà trường nhưng giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng và chỉ được dạy học sinh không thuộc lớp chính khóa của mình.
Thông tư cũng quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Những quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29 được cho là phù hợp và nhận được nhiều sự đồng tình so với quy định trước đó tại Thông tư 17/2012 của Bộ GDĐT, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông) Trương Thị Liên cho biết, nhà trường đã phổ biến về Thông tư 29 tới toàn thể phụ huynh nhà trường trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I. Đa số phụ huynh bày tỏ lo lắng về quy định dạy thêm ngoài nhà trường tại thông tư.
Nếu thực hiện việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí như quy định thì ngân sách nhà trường không đủ để chi trả cho việc dạy thêm trong nhà trường. Bên cạnh đó, đa số phụ huynh đều băn khoăn về mức học phí nếu con học thêm ngoài nhà trường. Trong khi học phí học thêm trong trường hiện nay từ 6.000 đến 13.000 đồng/tiết học tùy theo số lượng học sinh trên lớp thì học phí học thêm tại các trung tâm ngoài nhà trường sẽ cao hơn nhiều lần. Như vậy, không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện để cho con tham gia học thêm.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng lo lắng, khi học sinh không học thêm trong nhà trường thì việc bán trú cũng không thực hiện được, khó có thể đưa đón con giữa chừng và không yên tâm về tính an toàn của con khi học thêm ngoài trung tâm với giáo viên không phải thầy cô dạy chính khóa.
“Ban đại diện phụ huynh nhà trường bày tỏ mong muốn con em được học thêm trong nhà trường như hiện nay. Về phía nhà trường, chúng tôi đang chờ chỉ đạo thực hiện của cấp trên và đang trao đổi cách làm như thế nào để tránh gây xáo trộn”, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên cho hay.
Tại cuộc họp phụ huynh học sinh của một lớp 6 Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) mới đây, nhiều phụ huynh cũng nêu quan điểm, nhu cầu học thêm của học sinh là có thật và chính đáng. Học sinh yếu cần học thêm để tiến bộ hơn; học sinh khá, giỏi muốn nâng cao kiến thức, trong khi 45 phút thực học trên lớp theo chương trình mới hiện nay thì không đủ.
Chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh có con học lớp 6, Trường THCS Chu Văn An cho rằng: “Thầy cô dạy chính khóa mới hiểu rõ học sinh yếu ở đâu để bồi dưỡng kiến thức cho các con. Quy định mới không cấm dạy thêm, học thêm nhưng thầy cô trên lớp lại không được dạy học sinh của mình, như vậy cũng không ổn. Chưa kể, hiện nay thi vào lớp 10 rất khó khăn, nếu các con không được nhà trường phụ đạo thì khó có thể vượt qua kỳ thi này”.
Anh Phạm Văn Kiên, phụ huynh có con học lớp 9, Trường THCS Thanh Trì (quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi: “Dạy thêm trong nhà trường không thu tiền thì bao nhiêu thầy cô giáo sẵn sàng dạy miễn phí? Phụ huynh không có điều kiện thì làm sao có thể cho con đi học thêm ở các trung tâm? Hơn nữa, tính an toàn của các con khi học thêm ngoài nhà trường ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.
Quản chứ không cấm
Về quy định giáo viên không dạy thêm với học sinh chính khóa, Bộ GDĐT cho biết, quy định mới tại Thông tư 29 sẽ tránh được sự ép buộc không đáng có của giáo viên với học sinh các lớp mà họ đang dạy. Học sinh đi học thêm là vì nhu cầu của học sinh chứ không phải vì nhu cầu của giáo viên đang dạy lớp các em.
Bên cạnh đó, Thông tư 29 cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa giáo viên với nhau trong hoạt động dạy thêm. Những giáo viên dạy giỏi, có chuyên môn tốt vẫn sẽ thu hút được học sinh từ các trường khác, lớp khác; sẽ không còn tình trạng giáo viên ép buộc học sinh chính khóa của mình đi học thêm. Đây là cơ hội để đội ngũ giáo viên phổ thông nâng cao nghiệp vụ và chất lượng giảng dạy.
Trao đổi về Thông tư 29, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, những quy định mới nêu trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, do đó Bộ GDĐT không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Khi đó, nơi nào khiến học sinh, phụ huynh tin tưởng, đáp ứng được yêu cầu thì học sinh, phụ huynh sẽ lựa chọn.
Trước băn khoăn của một số giáo viên băn khoăn trường hợp tổ chức dạy thêm 5-7 em ở nhà có đăng ký kinh doanh hay không, ông Thành cho hay, thông tư đã quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền phải đăng ký kinh doanh.
“Quy định là như vậy nhưng để hiệu quả cần phải có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thông tư đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GDĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát”, ông Thành cho biết.
Một điểm mới của Thông tư 29 là quy định các trung tâm dạy thêm buộc phải hoạt động theo luật doanh nghiệp, tuân thủ quy định báo cáo và đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Bộ GDĐT cho biết, điều này chỉ rõ các trung tâm dạy thêm thực chất là một sự kinh doanh vì lợi nhuận. Đã kinh doanh thì phải đóng thuế như một doanh nghiệp, đó chính là sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.